Cuốn nhật ký thời gian lạ lùng về lịch sử Bắc Kỳ

'Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ' – một câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của trí thức người Pháp Pierre Foulon đã mang đến những triết lý văn hóa phương Đông, đồng thời chứa đựng những góc nhìn đậm dấu phương Tây của tác giả. Chính vì lẽ đó, cuốn sách được xem như một sự giao thoa của văn hóa Đông – Tây.

Tại buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách với chủ đề Xuân thu sử thi Bắc Kỳ - Nhìn từ tiếp xúc Pháp - Việt đầu thế kỷ XX, các diễn giả gồm: GS-TS. Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS. Vũ Đức Liêm - Giảng viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã có những chia sẻ về những câu chuyện mang đậm nét văn hóa Việt cũng như làm rõ hơn những góc nhìn khác biệt của P. Foulon.

Cuốn sách lạ lùng

Đây có lẽ là một cuốn sách “lạ lùng”, lạ lùng khi bốn chương của cuốn sách được gọi tên bằng bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, được dựa trên cảm hứng “triết học tứ quý” của Kinh Xuân Thu và sách Lễ ký của triết học Khổng Tử.

Nhưng điều P. Foulon bàn luận tới có lẽ cởi mở hơn vì Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ chứa đựng những trang sách hấp dẫn về khía cạnh tôn giáo của lễ hội, trong khi nhà hiền triết của nước Lỗ cho rất ít thông tin về đời sống tín ngưỡng trong “Xuân Thu” của mình.

Với cách gọi tên đó, qua những phân tích sâu sắc của tác giả, cuốn sách đề cập từ những vấn đề đầy tính lý luận như thơ ca, triết học, nghệ thuật dân gian, chính trị, thời cuộc, cho tới các khía cạnh gắn liền với hiện thực như lối sống, nghi lễ, dịch bệnh, công việc đồng áng (tịch điền) hay những chủ đề “siêu thực” về “cái chết”, “bóng đêm”.

Bìa cuốn sách “Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ”.

Bìa cuốn sách “Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ”.

Trong chương Mùa Xuân, P. Foulon lý giải về sự khác biệt giữa Tết Nguyên đán và Tết Tây. Ông cũng miêu tả về những tầng lớp xã hội bấy giờ là sỹ, nông, công, thương và khái quát đời sống văn hóa nghệ thuật cùng tám nhạc cụ (bát âm). Ông đã có những phân tích, miêu tả đầy rõ nét về lối sống, nghi lễ, công việc đồng áng và sinh hoạt thị thành trong chương Mùa Hạ.

P. Foulon trong chương Mùa Thu đã bàn về đời sống văn hóa-văn học với những liên tưởng độc đáo, giọng văn có chất thơ, cũng như việc dành nhiều lời khen ngợi cho các nhà thơ Việt Nam như Tản Đà, Nguyễn Khuyến… Chương Mùa Đông chứa đựng những cảm xúc cá nhân, những câu chuyện về gia đình tác giả trải qua ba thế hệ làm ăn, sinh sống ở ngoại thành Hà Nội.

Cuốn sách cũng lạ lùng khi ngay từ lời dẫn đầu được viết bằng một phong cách rất thơ - Lời ngỏ bên thềm (Paroles sur Le Perron).

Và cũng thật lạ lùng khi P. Foulon đã đem đến một cuộc đối thoại vô hình trong tưởng tượng (Palinodies) của hai nhà hiền triết Đông - Tây là Khổng Tử và Socrates. Qua đây, tác giả đã gợi ra những thi hứng chủ yếu cho cuốn sách, hai nhà tư tưởng trở thành hai nhân vật “đối thoại ngầm” xuất hiện đầy thú vị qua sự tưởng tượng của tác giả.

Nếu nói cả cuốn sách là một sự tổng hòa về nghệ thuật thì cũng không sai, khi việc thiết kế trình bày sách được thực hiện bởi chính họa sĩ Tô Ngọc Vân - một trong bốn "tứ trụ" của nền hội họa Việt Nam. Tranh bìa được họa sĩ Nguyễn Tiến Lợi làm từ tranh khắc dân gian, thường bày bán trong dịp giáp Tết trên hè phố và chợ Bắc Kỳ với mô tuýp Tranh Tam Đa quen thuộc, gợi lên một dấu ấn quen thuộc từ lịch sử cho bất cứ ai sở hữu.

Độc giả tham dự tọa đàm.

Độc giả tham dự tọa đàm.

Lối viết sử lạ lùng

TS. Vũ Đức Liêm cho rằng, khác với mô tuýp viết sử quen thuộc của ta, cuốn sách là một cuốn nhật ký thời gian, viết về những gì mà người xứ Bắc Kỳ làm trong một năm, có sự lý giải sâu sắc và chúng ta là nhà du hành tiến vào khu đất Bắc kỳ ngày xưa, giúp chúng ta đi sâu vào triết học, văn hóa, tôn giáo.

GS-TS. Đỗ Quang Hưng cũng nhận định đây là một kỹ thuật đặc sắc. Ông cho rằng đây là một lối viết sử đặc biệt nhưng sẽ hơi khó đọc. Lịch sử của Việt Nam ta, xứ Bắc Kỳ được phản ánh kiểu này từ vấn đề đời sống tinh thần, vật chất, tâm hồn con người, đặc biệt là không sa lầy vào các sự kiện chính trị, xã hội,… để thấy rằng tác giả đã có sự chọn lọc. Nhờ đó, giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử của xứ Bắc Kỳ.

GS-TS. Đỗ Quang Hưng chia sẻ tại tọa đàm.

GS-TS. Đỗ Quang Hưng chia sẻ tại tọa đàm.

Qua việc viết sử thi Bắc Kỳ dưới dạng triết học văn hóa, P. Foulon đã nhìn lịch sử Bắc Kỳ hay rộng hơn là lịch sử Việt Nam với một cái nhìn đầy tính triết lý, tôn lên chiều sâu cái đáng quý của người Việt Nam trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi, thể hiện đậm nét những giá trị có tính tinh thần triết học.

Trước P. Foulon đã có nhiều người bàn về đời sống tâm linh, tôn giáo… nhưng đến lượt ông, ông đã có những mô tả khá kỹ lưỡng từ đời sống đến việc các lễ cải táng diễn ra như thế nào cho đến việc sinh hoạt, các mối quan hệ gia đình,… tất cả những điều đó làm nên một giá trị nữa cho cuốn sách của ông đó là giá trị triết lý tinh thần.

Về vấn đề cảm thức của P. Foulon về mối quan hệ Pháp – Việt, theo GS-TS. Đỗ Quang Hưng, các vấn đề này động đến nhiều chiều kích, bởi nếu xét về chính trị nó là thế này, xét về mặt xã hội thì nó sẽ khác.

“Cảm thức Việt Pháp là một trong những thước đo khó và tôi thấy cái cảm thức của P. Foulon có một cái gì đó hơi đồng cảm, có lẽ vì ông quá mê đắm cái nền văn hóa này, bản thân ông rất quý mến người Việt.

Cảm thức Pháp Việt là một trong những lựa chọn hay nhất cho hai dân tộc, khi mà anh có một cảm thức tốt, vừa dân tộc nhưng lại vừa thời đại, vừa lịch sử cụ thể nhưng anh lại phải hướng tới những nhân bản tương lai như thế nào”, GS-TS. Đỗ Quang Hưng cho biết.

Về góc nhìn cá nhân trong cuốn sách, tác giả đã không ngại thể hiện tấm lòng của mình với những cảm thức của con người cá nhân đầy chân thực, chân thực một cách sắc bén qua những động tác, những cách sống, cách nghĩ đã củng cố cho tư duy con người.

Xuân Thu Sử thi Bắc Kỳ là cuốn sách mang tinh thần như một sự tổng hòa, giao thoa của triết lý, văn hóa Đông – Tây. Cuốn sách độc đáo ở chỗ nó giống như một bài thơ về sự giao cảm của con người với thời gian, với sinh thái, với triết học, với tôn giáo.

Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cuon-nhat-ky-thoi-gian-la-lung-ve-lich-su-bac-ky-40127.html