Cứu nữ bệnh nhân gần 3 tháng thở máy mắc bệnh hiếm gặp

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm thân não, một bệnh hiếm gặp, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng điều trị, trong đó có gần 90 ngày thở máy, bệnh nhân đã được cứu sống.

Sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định

Cấp cứu vì mắc bệnh hiếm gặp

Tối ngày 11/01, TS. BS. Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, Bệnh viện vừa điều trị thành công cho nữ bệnh nhân 47 tuổi (là giáo viên, trú tại Điện Biên) mắc bệnh Viêm thân não cấp- căn bệnh hiếm gặp, có tỷ lệ tử vong cao.

Trước đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, liệt tứ chi, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản thở máy. Sau đó được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên về tuyến trung ương điều trị.

Khi nhập bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân trong tình trạng liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp, sốt cao liên tục không thể kiểm soát bằng thuốc hạ sốt, chụp cộng hưởng từ có hình ảnh tổn thương hành não, đoạn đầu tủy cổ. Bệnh nhân được chẩn đoán Viêm thân não. Người bệnh nhanh chóng được điều trị tích cực, được mở khí quản và sử dụng các thiết bị hỗ trợ chuyên sâu như: Máy thở, máy thay huyết tương, máy hạ thân nhiệt chỉ huy, máy nội soi phế quản ống mềm.

Ngoài ra, người bệnh còn được chăm sóc phòng chống loét, phục hồi chức năng vận động-hô hấp.

Sau 2 tuần điều trị, tình trạng sốt được kiểm soát nhưng bệnh nhân vẫn liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp phải thở hoàn toàn theo máy, gần như bất động hoàn toàn từ cổ trở xuống. Nếu tình trạng liệt kéo dài, bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Đặc biệt là nguy cơ xẹp phổi do tắc đờm, nhiễm khuẩn phổi, loét vùng tỳ đè do nằm bất động kéo dài, suy kiệt, teo cơ, cứng khớp...

Tiên lượng bệnh nhân sẽ phải thở máy dài ngày, thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Bệnh nhân được hội chẩn để chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị tiếp.

Trong hơn 2 tháng điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh nhân được chăm sóc tích cực, với các biện pháp điều trị chuyên sâu như: Thở máy, nội soi phế quản ống mềm bơm rửa phổi, phục hồi chức năng hô hấp, phục hồi chức năng vận động.

Theo bác sĩ Tình, quá trình cai máy thở vô cùng khó khăn do người bệnh không có nhịp tự thở, phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Quá trình chăm sóc, thay đổi tư thế để phòng chống loét cho bệnh nhân cũng đòi hỏi rất nhiều nhân lực và sự tâm huyết.

Sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định

Sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các nhân viên y tế và người bệnh, cộng thêm một chút may mắn (không bị nhiễm khuẩn bệnh viện, không bị loét mặc dù nằm bất động dài ngày, có bảo hiểm y tế được chi trả 100%), bệnh nhân đã cai được máy thở, rút được ống mở khí quản, tỉnh táo hoàn toàn. Bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường, ăn uống được, chân tay vận động tốt lên từng ngày, không bị loét do tỳ đè. Hiện tại, bệnh nhân đang tập đi đứng trở lại.

Viêm não cấp, căn bệnh hiếm gặp nguy hiểm

Theo các bác sĩ, viêm thân não cấp là một thể của Viêm não cấp. Viêm não cấp là tình trạng viêm cấp tính não bộ, bệnh có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng rất cao, nguyên nhân do một số loại virus gây ra. Virus có thể xâm nhập vào não bộ qua đường máu (do muỗi đốt), theo đường tiêu hóa (do virus đường ruột) hoặc theo đường hô hấp và gây viêm não cấp.

Bệnh viêm não thường xuất hiện vào đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm. Bệnh viêm não cấp thường gặp ở trẻ em (trên 90%). Bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 5 tuổi trở lên và đa số trẻ mắc bệnh sống ở vùng nông thôn, nơi có nuôi heo và trồng lúa. Trong khi đó viêm não do virus đường ruột thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi ở cả thành thị hay nông thôn.

Triệu chứng của viêm não Nhật bản và viêm não do virus đường ruột thường giống nhau, nhưng viêm não do virus đường ruột thường diễn biến nhanh và có tỷ lệ tử vong khá cao.

Khi mắc bệnh, trẻ thường có những biểu hiện như: đột ngột sốt cao 39-40 độ C, buồn nôn, nôn, đau đầu, li bì bỏ ăn, có thể kèm theo ho, tiêu chảy. Sau 1-2 ngày xuất hiện co giật, thở khò khè rồi đi vào hôn mê và có thể tử vong rất nhanh nếu không điều trị kịp thời. Nếu điều trị kịp thời, trẻ có thể lành bệnh và không để lại di chứng. Vì vậy, phụ huynh cần mang trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy trẻ sốt cao, ói mửa, đau đầu, đặc biệt là khi có sự thay đổi tri giác như trẻ ngủ nhiều, hoảng hốt, bứt rứt, co giật, hôn mê.

Di chứng của viêm não rất nặng nề với những tổn thương ở não, ảnh hưởng trầm trọng đến tâm thần và vận động của trẻ. Phần lớn, khi đã bị hôn mê, sau này các cháu sẽ phải chịu di chứng liệt, đần độn, không thể đi lại, nói cười,…

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não, do vậy việc phòng ngừa bệnh là rất quan trọng. Để phòng ngừa bệnh, người dân cần diệt muỗi, ngủ màn, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống cũng như trong sinh hoạt. Không nên nuôi heo, chim chóc trong nhà vì chúng có thể là những ổ chứa siêu vi viêm não Nhật Bản. Người dân tuyệt đối không để trẻ chơi gần chuồng gia súc, bãi rác, bụi cây.

Hiện nay ở nước ta mới chỉ sản xuất được vaccine ngừa viêm não Nhật Bản. Trẻ có thể bắt đầu chủng ngừa viêm não Nhật Bản từ 12 tháng tuổi. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng để được phòng bệnh tốt nhất.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cuu-nu-benh-nhan-gan-3-thang-tho-may-mac-benh-hiem-gap-20230111234806765.htm