Cứu sản phụ là F0 giữa lằn ranh sinh tử

Trong số hàng nghìn sản phụ mắc Covid-19, không ít người nhập viện khi đã trở nặng, phải thở oxy.

Tuy nhiên, nhờ có sự tận tình của các y bác sĩ, họ đã thoát lằn ranh sinh tử, được tận hưởng niềm hạnh phúc ôm đứa con khỏe mạnh vào lòng, dù thời gian đầu không được gần con do phải cách ly. Những ngày tháng ấy với họ dường như dài vô tận…

Hạnh phúc của vợ chồ̀ng chị Trần Thái Loan khi đoàn tụ cùng con gái

Hạnh phúc của vợ chồ̀ng chị Trần Thái Loan khi đoàn tụ cùng con gái

Hạnh phúc ngọt ngào

Căn nhà nhỏ của gia đình chị Thái Loan nằm trong một con hẻm ở quận 4, TP.HCM, tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng. Đến giờ, chị và chồng là anh Trần Như Bằng vẫn chưa hết cảm giác xúc động, hạnh phúc như những phút giây đầu tiên được bế con trên tay.

“Mừng lắm, hạnh phúc lắm, như vừa chết đi sống lại vậy! Nói chung, tôi không biết phải diễn tả như thế nào!”, chị Loan chia sẻ.

Bế cô con gái Trần Ngọc Thi trên tay, chị Thái Loan kể lại, thời điểm chị mắc Covid -19 là khi mang bầu bé Thi ở tuần thứ 29. Do anh Bằng làm việc ở xa, ít về nhà nên khi dịch phức tạp nhất, chỉ có bà ngoại ở bên chăm sóc.

Khoảng đầu tháng 9/2021, chị Loan phát hiện mình bị ho, khó thở và có triệu chức mắc Covid-19. Khi đi test, kết quả cho thấy chị dương tính. “Cả ngày hôm đó tôi rất hoang mang. Dịch đang đỉnh điểm, bệnh viện quá tải, ngoài đường không có xe chạy”, chị Loan nhớ lại và cho biết phải nhờ hàng xóm chở đến Bệnh viện Hùng Vương, rất may được nhập viện.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, chị chuyển nặng, ho sốt, cơ thể mệt mỏi. Hai ngày ở bệnh viện, chị bị hôn mê, các bác sĩ quyết định cho sinh mổ. “Lúc đó tôi không biết gì nữa, quá may mắn là ca mổ thành công, em bé chỉ 1,1kg nhưng được các bác sĩ, y tá chăm sóc tận tình nên khỏe mạnh”, chị Loan tâm sự và cho biết, ca mổ thành công đã là may mắn, nhưng mấy ngày sau đó mẹ con không được gặp nhau vì chị phải chuyển sang bệnh viện dã chiến cách ly.

“Nói thật những này đó với tôi dài hơn cả chục năm. Đêm nằm mà rơi nước mắt, nhưng dịch bệnh nên phải chấp hành quy định của ngành Y tế”, chị chia sẻ.

Sốt ruột hơn cả là anh Như Bằng, lúc này đang công tác xa, nghe vợ “vượt cạn” muốn về nhưng cũng không thể về được vì không có phương tiện gì để đi. “Hôm bác sĩ gọi điện báo ca mổ thành công, tôi nghe mà mừng rơi nước mắt. Thương vợ, thương con nhưng không thể làm gì được, cảm thấy rất bất lực”, anh Bằng kể.

Phải đến đầu tháng 10, chị Thái Loan mới hết cách ly, về nhà. “Tới nhà là tôi lao vào ôm con, mừng vui khôn xiết. Thực sự đây là lần “vượt cạn” nhớ đời không chỉ đối với tôi mà còn là cảm giác của nhiều người mẹ khác cũng là F0”, chị Loan tâm sự.

Quả thực, tại Bệnh viện Hùng Vương, từ tháng 7 đến hết tháng 9 là thời điểm dịch lên đỉnh điểm, ở khu vực chuyên điều trị bệnh Covid-19 đã có hơn 1.300 sản phụ sinh hoặc mổ thành công, mẹ tròn con vuông. Đó là những cuộc “vượt cạn” không thể nào quên đối với các sản phụ và những y, bác sĩ tham gia công tác trong những thời khắc lịch sử này.

3 bác sĩ phụ trách 80 bệnh nhân

Bệnh nhân thai phụ nhiễm Covid-19 đang được bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương điều trị tại khu K1 BV Hùng Vương (Chụp ngày 14/12/2021)

Bệnh nhân thai phụ nhiễm Covid-19 đang được bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương điều trị tại khu K1 BV Hùng Vương (Chụp ngày 14/12/2021)

Những ngày cuối năm, TP.HCM đã trở lại cuộc sống bình thường mới, giai đoạn căng thẳng nhất đã qua đi. Chúng tôi có dịp trở lại khu K1 điều trị Covid-19, Bệnh viện Hùng Vương.

Đây là khu điều trị lớn nhất được hoán cải từ một tòa nhà của bệnh viện để dành cho việc điều trị các thai phụ bị nhiễm Covid-19.

Mặc trên người bộ bảo hộ kín mít để vào khu điều trị K1, chúng tôi gặp bác sĩ Hồ Viết Thắng, Trưởng khu 1, Khu điều trị Covid-19.

Bác sĩ Thắng kể lại, thời điểm tâm dịch, công việc hàng ngày của các y, bác sĩ chỉ có trực và trực. Ca trực hàng ngày kéo dài tới 7 tiếng liên tục. Ca đêm, các điều dưỡng phải làm tới 10 tiếng. Mỗi ca trực chỉ có khoảng 3 bác sĩ nhưng phụ trách tới 70- 80 bệnh nhân.

“Lúc đó, hầu như sản phụ nào khi tỉnh lại cũng hỏi “em có bị nhiễm nặng lắm không bác sĩ, bác sĩ cứu mẹ con em…”. Những câu hỏi, lời cầu khẩn ấy khiến những người bác sĩ như chúng tôi thực sự ám ảnh”, bác sĩ Thắng tâm sự.

Tuy vậy, theo bác sĩ Thắng, ở nơi ranh giới sống và chết mong manh ấy cũng còn có những niềm vui, động lực cho các y, bác sĩ. Đó là những tín hiệu chuyển biến tốt của bệnh nhân, là những lần chứng kiến bệnh nhân kiên cường vượt qua cơn nguy kịch, khỏi bệnh trở về nhà. Những người phải thở bằng máy tường chừng không qua khỏi nhưng đều vượt qua, như được sinh ra lần nữa.

Một kỷ niệm vui khác mà bác sĩ Hồ Viết Thắng kể là mới đây, các y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã điều trị thành công cho một bệnh nhân mang song thai với với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và mắc Covid-19.

Điều nguy hiểm là bệnh nhân lại chưa tiêm vaccine. Bệnh nhân khi vào viện đã chuyển nặng, phải thở oxy dòng cao, trong lúc rất yếu, bệnh nhân vẫn thều thào: “Anh ơi cứu mẹ con em!”. “Câu nói đó như xé lòng tôi, tôi chỉ biết gật đầu động viên em và nói sẽ cố gắng hết sức”, bác sĩ Thắng xúc động nhớ lại.

Sau đó, các bác sĩ tiến hành hội chẩn, quyết định mổ ngay tại khu điều trị Covid-19. Hai bé trai mỗi bé khoảng 1,6kg đã chào đời an toàn và được chuyển đến khoa Nhi để được chăm sóc.

“May mắn, cả hai con đều âm tính với SARS-CoV-2. Kinh nghiệm với các sản phụ nhiễm Covid-19 khi vượt cạn là phải có nghị lực, tin tưởng vào các bác sĩ. Có bệnh nhân là sản phụ hôm rút máy thở cũng là đúng vào ngày sinh nhật của chị ấy. Chúng tôi rất xúc động, chỉ biết chúc mừng khi niềm vui nhân đôi!”, bác sĩ Thắng kể.

Nguyên Hằng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuu-san-phu-la-f0-giua-lan-ranh-sinh-tu-d540971.html