Cứu sống bé sơ sinh chào đời có ruột nằm ngoài ổ bụng
Nguyên nhân khiến bé sơ sinh có ruột nằm hoàn toàn ngoài ổ bụng là do khe hở thành bụng - một dị tật bẩm sinh hiếm gặp của thành bụng trước.
Bệnh nhi được đưa toàn bộ ruột vào ổ bụng sau 2 ca mổ. Ảnh: BVCC
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La vừa tiếp nhận bệnh nhi L.M.Đ. mới 2 giờ tuổi, con lần 1, đẻ thường đủ tháng tại trạm y tế, cân nặng 2.500gram. Sau đẻ thấy ruột nằm hoàn toàn ngoài ổ bụng nên gia đình đưa bệnh nhi đến viện.
Bước đầu tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Nhi đã tiến hành đánh giá sơ bộ tình trạng của bệnh nhi, cho bệnh nhi nằm lồng ấp kiểm soát thân nhiệt, vô khuẩn giữ ẩm ruột.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chẩn đoán: Bệnh nhi có ruột ngoài ổ bụng do khe hở thành bụng bẩm sinh và chỉ định mổ cấp cứu.
Tuy nhiên, do ổ bụng quá hẹp không có không gian để đưa ruột vào ổ bụng ngay lần mổ này, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật đặt túi Silo (túi đựng ruột tạm thời ngoài ổ bụng).
Do bệnh hiếm gặp, túi Silo không có sẵn và chi phí đắt, các bác sĩ đã quyết định tạo túi Silo từ những thiết bị sẵn có - từ túi dẫn lưu vô khuẩn. Ca mổ đã thành công tốt đẹp.
Bệnh nhi được chuyển về Khoa Nhi hồi sức và nuôi dưỡng sau mổ. Túi Silo luôn được treo cao để ruột dần vào ổ bụng hằng ngày.
Đến ngày thứ 12, khi không gian bụng của bệnh nhi đã đủ rộng để đưa ruột hoàn toàn vào ổ bụng, bệnh nhi được phẫu thuật tháo túi Silo, đưa toàn bộ ruột vào ổ bụng và đóng thành bụng.
Sau mổ, bệnh nhi diễn biến ổn định, ăn uống tốt, đại tiểu tiện bình thường. Bệnh nhi được cho ra viện và hẹn khám lại sau 3 tuần.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Bằng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, đây là một trường hợp bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1/15.000 -1/30.000 trẻ sinh. Bệnh nhi trên là trường hợp nặng khi ruột sa ra ngoài nhiều không đóng được 1 thì, trẻ đẻ đủ tháng nhưng cân nặng không cao (2.500gram). Trong quá trình đặt túi có nhiều nguy cơ về viêm phổi, nhiễm trùng máu, thiếu nguyên tố vi lượng... Sau khi đóng thành bụng cũng có những nguy cơ về tăng áp lực ổ bụng, chèn áp mạch máu, nhiễm trùng, toác vết mổ.
Qua đây bác sĩ khuyến cáo: Khám thai định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm dị tật khe hở thành bụng cũng như 1 số dị tật bẩm sinh khác. Khi phát hiện thai bị khe hở thành bụng, các mẹ nên đến khám và theo dõi định kỳ ở các bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và đánh giá các dị tật kèm theo.
Biện pháp duy nhất để xử trí dị tật khe hở thành bụng là phẫu thuật. Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là trước 48 giờ sau sinh. Với sự phát triển của phẫu thuật, gây mê và hồi sức nhi thì tỷ lệ thành công của bệnh cũng tăng lên nhưng cần phát hiện sớm và đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được chăm sóc, hồi sức, chuyển tuyến khi cần thiết.