Cựu Thủ tướng Abe qua đời: Việt Nam mất đi người bạn lớn, người bạn thân thiết
Ông Abe là người có đóng góp rất lớn cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Việc khởi đầu cho xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược cũng được bắt đầu dưới thời ông Abe làm Thủ tướng.
Rất "sốc" và đau buồn là những cảm xúc mà các Đại sứ Việt Nam từng làm việc ở Nhật Bản chia sẻ khi nghe tin cựu Thủ tướng Nhật Bản qua đời ngày 8/7 sau khi bị bắn.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2012-2015:
Tôi rất shock (sốc) và rất đau buồn vì việc này. Tôi cho rằng không chỉ tôi mà tất cả những người bạn Việt Nam và nhiều người trên thế giới đều shock vì tin này. Đây là thông tin rất đau xót vì ông Abe là người có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Nhật Bản trong nhiều năm gần đây và đặc biệt là đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Chúng ta rất lấy làm tiếc trước việc một chính khách lớn của Nhật Bản, một người bạn lớn của Việt Nam đã qua đời trong một hoàn cảnh như vậy.
Ông Abe là vị Thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Nhật Bản. Ông Abe đã có 2 nhiệm kỳ được bầu làm Thủ tướng.
Tôi ấn tượng ông Abe là một người có khát vọng rất là lớn để khôi phục vị trí, vai trò, sự phát triển của Nhật Bản như một quốc gia tầm cỡ không chỉ ở trong khu vực mà còn ở trên thế giới, là nền kinh tế thứ 2 trên thế giới.
Phải nói là khát vọng khôi phục sự phồn vinh của Nhật Bản đó đã dẫn dắt dân tộc Nhật Bản trong suốt chặng đường vừa qua. Đương nhiên có những việc không phải dễ thực hiện nhưng chính sách Abenomics cũng như những đường hướng phát triển của ông Abe đã tạo ra động lực cho sự phát triển của Nhật Bản trong những năm vừa qua. Và đặc biệt là tạo dựng lại hình ảnh và ảnh hưởng, uy tín của Nhật Bản trong khu vực và mức lớn hơn là trên tầm quốc tế.
Những chính sách mà ông Abe thực hiện, mặc dù sau khi từ chức, những người kế nhiệm ông, những người cộng sự cũng đang tiếp tục, bằng những hình thức khác nhau. Điều này tạo ảnh hưởng rất lớn cho sự phát triển của Nhật Bản và vai trò, vị trí của Nhật Bản.
Về quan hệ với Việt Nam, khởi sự của việc xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược (ĐTCL) giữa 2 nước bắt đầu từ thời ông Abe. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Abe, khi đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm Nhật Bản và hai nước đã trao đổi những định hướng lớn để hướng tới ĐTCL.
Sau này, cũng chính dưới thời ông Abe, khi đó tôi đang làm Đại sứ, chúng ta đã nâng cấp quan hệ ĐTCL thành ĐTCL sâu rộng như hiện nay trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Quan hệ hiện nay cũng đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, với sự tin cậy cao giữa lãnh đạo cũng như nhân dân 2 nước. Chúng ta cũng đang tiếp tục duy trì, mở rộng, củng cố mối quan hệ này trong thời gian tới.
Với ông Abe, tôi có ấn tượng vô cùng lớn là ông ấy dành tình cảm rất đặc biệt cho Việt Nam. Khi lên làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2, ông Abe đã chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên. Tôi cũng đã về nước để tham dự cuộc đón tiếp. Và sau này chứng kiến nhiều cuộc gặp của ông Abe với các vị lãnh đạo của Việt Nnam thì mối quan hệ rất tin cậy và trao đổi với nhau mọi vấn đề, gần như không có sự khác biệt trong trao đổi quan điểm khi liên quan đến quan hệ giữa 2 nước. Đó là nền tảng cho chúng ta củng cố quan hệ tiếp sau đây. Phải nói là tôi rất lấy làm tiếc về việc ông Abe qua đời đột ngột như vậy.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015-2018:
Đối với tôi, đây là tin mà tôi cũng không muốn tin là sự thật. Thật sự là "sốc" và rất buồn khi nghe tin ông Abe bị bắn và đã không qua khỏi. Có lẽ đây không chỉ là tổn thất lớn với đất nước Nhật Bản mà phía Việt Nam chúng ta cũng mất đi người bạn lớn, một người bạn thân thiết.
Ông Abe 2 lần làm Thủ tướng, trở thành vị Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, điều đó đã nói lên ông Abe là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường Nhật Bản.
Chúng ta cũng nhớ rằng, trước thời kỳ đó, Nhật Bản cứ 1-2 năm lại thay Thủ tướng một lần, chính trị không được ổn định cho đến khi ông Abe lên nhậm chức thì chính trị Nhật Bản trở nên ổn định hơn. Thứ hai là tầm ảnh hưởng của ông Abe thể hiện trong những chính sách lớn mà ông Abe đưa ra. Về mặt đối nội, đặc biệt là chính sách Abenomics, tập trung vào việc đưa Nhật Bản, sau hàng thập kỷ ở trong tình trạng kinh tế suy thoái, giảm phát dần dần từ năm 2013 đến 2019 phát triển dương liên tục. Ông Abe chú trọng giải phóng sức lao động của người phụ nữ, đưa ra chính sách phụ nữ tỏa sáng nâng cao vai trò của người phụ nữ trong đời sống sản xuất của Nhật Bản.
Về đối ngoại, ông Abe thực hiện chính sách đối ngoại là chủ nghĩa hòa bình tích cực và ngoại giao tầm nhìn toàn cầu, nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Nhật Bản.
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản dưới thời ông Abe được phát triển sâu rộng, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Ông Abe là người nâng tầm, tạo khuôn khổ mới cho quan hệ 2 nước, và khuôn khổ đó chúng ta vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Dưới thời ông Abe thì tất cả các lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản đều đến thăm Việt Nam, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã có chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam, Thủ tướng Abe 4 lần thăm Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam sau 15 năm… Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng có chuyến thăm trong thời kỳ đó. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Nhật Bản với tư cách quốc khách 9/2015, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp nhà nước, Thủ tướng hầu như năm nào cũng có chuyến thăm. Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của quan hệ giữa 2 nước.
Ông Abe cũng rất khuyến khích các lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Trao đổi về nguồn nhân lực giữa 2 nước dưới thời ông Abe cũng tăng lên rất nhanh. Tôi nhớ khi tôi mới sang Nhật Bản thì cộng đồng người Việt ở Nhật là khoảng 50.000, đến 2018 cộng đồng đó đã lên đến hơn 300.000 người, đến nay đã tăng lên 400.000 người, đưa lĩnh vực trao đổi nhân sự trở thành một trụ cột trong quan hệ 2 nước.
Ngay cả sau khi từ chức, ông Abe vẫn là một chính trị gia hoạt động tích cực trong nước, đóng góp cho tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Và những người kế nhiệm ông sau này vẫn kế thừa, thúc đẩy đà quan hệ giữa 2 nước. Các vị thủ tướng Nhật Bản sau đó cũng nhanh chóng đến thăm Việt Nam sau khi nhậm chức. Chính sách tăng cường quan hệ với Việt Nam có lẽ là chính sách nhất quán không chỉ của đảng cầm quyền mà còn nhất quán trong nội bộ Nhật Bản với các đảng phái khác nhau.