Cựu tướng Mỹ: F-16 nâng cấp của Ukraine vẫn 'mong manh' trước chiến đấu cơ Nga

Ngày 2/10, tờ Business Insider dẫn lời cựu tướng Lục quân Mỹ, Gordon Davis, những chiếc F-16 mà Ukraine nhận từ các đồng minh phương Tây không đủ sức đối đầu với máy bay chiến đấu của Nga.

Theo ông Davis, F-16 có hạn chế về tầm bay và khả năng phòng thủ. Mặc dù được trang bị các hệ thống hiện đại, chúng vẫn gặp khó khăn khi phải đối đầu với các máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga.

Máy bay F-16 và F-35 của Không quân Mỹ trong một nhiệm vụ huấn luyện ở Hàn Quốc. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Máy bay F-16 và F-35 của Không quân Mỹ trong một nhiệm vụ huấn luyện ở Hàn Quốc. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Ông Davis nhấn mạnh, Nga sở hữu hàng trăm máy bay chiến đấu hiện đại như Su-35S, Su-30SM đa nhiệm, và MiG-31 có khả năng siêu thanh. Các máy bay này còn được trang bị tên lửa không đối không R-37M, với tầm bắn vượt trội hơn so với tên lửa AIM-120 mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Điều này làm cho F-16 của Ukraine dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ lực lượng không quân và hệ thống phòng không mạnh mẽ của Nga.

Mặc dù F-16 có thể "tạo ra một số sự khác biệt" trong giai đoạn hiện tại, ông Davis cho rằng số lượng và khả năng của chúng vẫn còn hạn chế. Khoảng 20 chiếc F-16 sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào cuối năm 2024 và ông tin rằng khi số lượng máy bay tăng lên, Ukraine sẽ có cơ hội cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, những chiếc F-16 mà Ukraine nhận được là phiên bản cũ hơn, có hệ thống radar và khả năng chiến đấu hạn chế so với các phiên bản hiện đại hơn trong không quân NATO.

Những chiếc F-16 của Ukraine có giá từ 20 đến 70 triệu USD mỗi chiếc, đã trải qua nhiều năm hoạt động và không còn nhiều khả năng chiến đấu. Chuyên gia Michael Bohnert của Tập đoàn RAND nhận định, dù F-16 vẫn còn giá trị trong cuộc xung đột hiện tại, sự cũ kỹ của chúng gây ra nhiều khó khăn trong bảo dưỡng và hiệu suất.

Dù được trang bị bom lượn có tầm bắn 112 km, F-16 vẫn không thể vượt qua thách thức từ hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu của Nga.

Cựu tướng Mỹ cho rằng cách duy nhất để cải thiện tình hình là cho phép Ukraine tấn công vào các hệ thống phòng không của Nga, nhưng các đồng minh phương Tây, bao gồm Mỹ, đã hạn chế việc sử dụng vũ khí tầm xa cho các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng hệ thống phòng không mạnh mẽ, hạn chế khả năng không chiến trực tiếp. Nga thường sử dụng máy bay để phóng tên lửa từ khoảng cách an toàn hoặc ném bom từ ngoài tầm bắn của phòng không Ukraine, trong khi Ukraine cố gắng giữ F-16 tránh xa các khu vực giao tranh ác liệt để bảo vệ chúng.

Dù Ukraine đã nhận được cam kết hơn 85 chiếc F-16 từ các quốc gia như Đan Mạch, Na Uy, Bỉ và Hà Lan, số lượng ban đầu vẫn chưa đủ để thay đổi cục diện chiến sự.

Ukraine ước tính, cần khoảng 120-130 máy bay chiến đấu tiên tiến để thách thức ưu thế không quân của Nga. Tuy nhiên, F-16 vẫn giúp Ukraine cải thiện khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lực lượng không quân lâu dài.

Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga tại thao trường huấn luyện Brestsky trước cuộc tập trận quân sự chung Allied Resolve gần Brest, Belarus. (Nguồn: Getty Images)

Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga tại thao trường huấn luyện Brestsky trước cuộc tập trận quân sự chung Allied Resolve gần Brest, Belarus. (Nguồn: Getty Images)

Cuối tháng 8, không quân Ukraine xác nhận một chiếc F-16 đã gặp nạn chỉ vài tuần sau khi lô F-16 đầu tiên được chuyển giao từ phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, F-16 đã đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ hạt nhân của NATO và việc cung cấp máy bay này cho Ukraine là "một tín hiệu có chủ đích" từ NATO trong lĩnh vực hạt nhân. Tuy nhiên, ông Lavrov khẳng định, sự hiện diện của F-16 tại Ukraine sẽ không thay đổi cục diện chiến dịch, vì những chiếc máy bay này cũng sẽ bị phá hủy như các loại vũ khí khác.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuu-tuong-my-f-16-nang-cap-cua-ukraine-van-mong-manh-truoc-chien-dau-co-nga-169241003173225304.htm