Đã có 500 doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô
Phó Chủ tịch VASI cho biết, dù đơn hàng sản xuất linh kiện gia công chính xác cho các đối tác nước ngoài chưa như kỳ vọng nhưng đã có khởi sắc.
Sáng 13/6 tại TP.HCM, Công ty CP quảng cáo và hội chợ thương mại Vinexad (Bộ Công Thương) phối hợp và Công ty TNHH MTV Yorkers Exhibition Service Việt Nam tổ chức họp báo “Triển lãm Thương mại hàng đầu khu vực tại Việt Nam về ngành Công nghiệp dịch vụ ô tô năm 2023”.
Cuộc đua ô tô điện tại Việt Nam đang bị bỏ xa so với khu vực
Ông Nguyễn Thành Đàm, Chủ tịch Tập đoàn Vast Group (đơn vị chuyên về kỹ thuật phụ trợ, công nghệ ô tô tại Việt Nam) cho hay, vài năm trở lại đây các doanh nghiệp ngành ô tô đã có những bước nhảy lớn và đang làm rất tốt như: Thaco, VinGroup. Nhưng ngành công nghiệp ô tô chỉ có thể phát triển tốt khi ngành công nghiệp hỗ trợ thực sự phát triển.
Trên thế giới, các quốc gia mạnh về lĩnh vực này là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức. Trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về ngành công nghiệp ô tô điện.
“Tại Việt Nam có các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô là: Thaco, Thành Công, VinGroup. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành ô tô lên tới 480 đơn vị, nhưng sản xuất manh mún, không có quy mô lớn. Chính vì vậy không tạo được sự đồng bộ để thực sự có bứt phá mạnh mẽ. Cuộc đua về xe điện tại Việt Nam thực tế đã bị bỏ rất xa so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… ”, ông Đàm nói.
Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, mặc dù đơn hàng sản xuất linh kiện gia công chính xác cho các đối tác nước ngoài chưa thực sự như kỳ vọng nhưng đã có những khởi sắc.
“
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, quy mô thị trường xe hơi tại Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe vào năm 2028 và đạt 3,5 triệu vào năm 2040.
”
Cụ thể riêng thị trường miền Bắc và miền Trung đã có khoảng 100 doanh nghiệp đang có đơn đặt hàng sản xuất linh kiện gia công cho Nhật Bản, cả nước là 500 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tốt các tiêu chí của đối tác nước ngoài.
“Riêng thương hiệu ô tô Toyota đã và đang đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp Việt trong đào tạo nhân sự. Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh ngành nghề, sẽ được đối tác Nhật Bản đào tạo ngay chính “sân nhà” để sản xuất linh kiện cho họ”, bà Bùi Thị Hồng Hạnh nói.
Việt Nam là thị trường tiềm năng về công nghiệp dịch vụ ô tô
Ông Clvin Lau, Giám đốc Công ty TNHH Messe Frankfurt Hong Kong (Trực thuộc Tập đoàn Messe Frankfurt một trong những nhà tổ chức sự kiện, hội nghị và hội chợ thương mại hàng đầu thế giới) cũng khẳng định, Việt Nam là một thị trường tiềm năng về công nghiệp dịch vụ ô tô.
Ông Clvin Lau cũng tin rằng, xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm kiếm các thị trường tiềm năng để đặt nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, GĐ Công ty cổ phần OBD Việt Nam (công ty chuyên cung các sản phẩm, dịch vụ, thương mại liên quan đến ngành CN ô tô) cho biết, OBD có mặt trên thị trường 15 năm và đã có 15.000 khách hàng và có nhiều đối tác đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong sự kiện hội chợ năm 2022, OBD đã phát triển 153 khách hàng mua trực tiếp. Riêng 3 ngày triển lãm đã đem về doanh số bán lẻ cho OBD là 150.000 USD.