Đa dạng mô hình sinh kế giảm nghèo ở miền núi
Dựa trên lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều địa phương vùng cao đã mạnh dạn đưa vào phát triển các giống cây trồng, vật nuôi. Các mô này phát huy hiệu quả, không chỉ giải quyết bài toán sinh kế cho người dân tộc thiểu số mà còn tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng, trở thành thế mạnh của vùng.
Những ngày này, người dân ở thôn Nậm Đó đang hối hả bước vào vụ thu hoạch chè. Cả thôn có 72 hộ dân thì có tới 71 hộ trồng chè với diện tích gần 74 héc-ta. Nhờ có thời tiết phù hợp và chăm sóc đúng kĩ thuật nên cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, từ đó mang lại thu nhập bình quân mỗi hộ đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Cùng với chè, cây quế cũng là loại cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương. Thay vì chăm sóc, thu hoạch theo phương thức truyền thống, người dân vùng cao Lào Cai đang chuyển dần các diện tích quế sang hướng hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng và cho thu nhập cao hơn.
Nhờ việc đa dạng hóa các mô hình sinh kế, năm 2023, giá trị sản xuất nông - lâm, thủy sản toàn tỉnh Lào Cai đạt hơn 9.500 tỷ đồng. Trung bình giá trị sản phẩm/héc-ta canh tác đạt 95 triệu đồng. Lào Cai cũng đã xây dựng thành công 13 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực với 197 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Đa dạng các mô hình phát triển nông nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo bài toán sinh kế bền vững cho vùng cao.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/da-dang-mo-hinh-sinh-ke-giam-ngheo-o-mien-nui-218441.htm