Đà Nẵng: 1,5 vạn lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ, sinh viên được đào tạo về thương mại điện tử
Đến năm 2025, 15.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên ở Đà Nẵng được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT).
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt). Đặc biệt, kế hoạch nhằm từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân TP.
Bên cạnh đó, kế hoạch hướng đến việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của TP Đà Nẵng trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT trong công tác kiểm tra, đảm bảo việc kinh doanh trên các trang TMĐT tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Với định hương đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT trên địa bàn đạt từ 50%. Trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm từ 80%, 100% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử và có 100% doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện việc khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025, từ 55% dân số tại các quận trung tâm và 30% dân số tại các quận, huyện ngoại thành tham gia mua sắm trực tuyến, doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm từ 10 -15% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu đùng của TP.
Bên cạnh đó, 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% doanh nghiệp nhỏ và vửa sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tham gia các sàn TMĐT, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại trên các ứng dụng di động và 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.
Ngoài ra, đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có đào tạo chuyên ngành về TMĐT; 15.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Để thực hiện mục tiêu này, Đà Nẵng dự kiến đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách và xã hội hóa) cho việc xây dựng nền tảng mã định danh và xác thực điện tử người dân, doanh nghiệp; kết nối, tích hợp mã bưu chính hộ gia đình do VNPOST xây dựng với cơ sở dữ liệu nhân khẩu để phục vụ trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính công ích và hỗ trợ TMĐT.