Đà Nẵng lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Ngày 28-2, UBND thành phố Đà Nẵng khai mạc Hội thảo khoa học 'Thảo luận, góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng'. Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, ban, ngành, trường đại học, các đơn vị nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trên địa bàn.

250 đại biểu bộ ngành, các chuyên gia, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.

250 đại biểu bộ ngành, các chuyên gia, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo được sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân. Tại Đà Nẵng, đến nay, việc triển khai lấy ý kiến cơ bản đảm bảo tiến độ từ cấp xã, phường đến cấp quận/huyện, các sở, ban, ngành, mặt trận và đoàn thể.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực và kinh nghiệm trong thực tiễn tham gia góp ý các điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung giải quyết các vấn đề bất cập, tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai như: Giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; xác định giá đất… và nhất là các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và bản án của tòa án nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực của xã hội để thúc đẩy sự phát triển của thành phố. “Căn cứ vào kết quả lấy ý kiến trên địa bàn thành phố và kết quả của hội thảo hôm nay, đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả đảm bảo chất lượng, khách quan để gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15-3-2023 theo đúng tinh thần Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lưu ý.

Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã trao đổi các nội dung, quan điểm xây dựng dự án Luật cũng như những chính sách mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các nội dung chính của Dự thảo Luật. Cụ thể, Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Nội dung lấy ý kiến trọng tâm theo từng nhóm đối tượng: các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.... Trong đó, tập trung vào các vấn đề trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; hộ gia đình sử dụng đất. “Về cơ bản chúng ta sẽ phải bám sát nội dung Nghị quyết 18 để triển khai, phải đảm bảo kế thừa sự ổn định và phát triển của hệ thống pháp luật về đất đai, sửa đổi bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó là đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về đất đai với hệ thống pháp luật có liên quan , hoàn thiện các chế định quản lý đất đai theo chức năng vừa là tài nguyên vừa là tài sản, vừa là nguồn lực”, ông Đào Trung Chính trao đổi.

Hội thảo diễn ra 1 ngày với 2 phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề theo 4 nhóm chủ đề gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính; dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế chính sách tài chính, giá đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Theo ông Phạm Nam Sơn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, thành phố đã chỉ đạo sát sao Sở, ban, ngành khẩn trương triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai trên địa bàn. "Sở đã tập hợp được nhiều bài tham luận từ các ngành, cấp cơ sở, các đơn vị, chuyên gia, các nhà khoa học với những ý kiến hết sức cụ thể. Những vướng mắc thực tiễn trong quá trình quản lý, sẽ được Sở tổng hợp ý kiến, báo cáo UBND thành phố gửi đến cơ quan soạn thảo quốc gia tiếp thu, hoàn thiện trong thời gian tới”, ông Sơn cho hay.

Bảo Nam

Hơn 1.300 dự án gặp vướng mắc

Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, một trong những vấn đề rất lớn của thành phố hiện nay là giải quyết những tồn tại cũ để lại. Và việc góp ý sửa đổi Luật đất đai hiện nay bản chất là đang giải quyết những tồn tại của Luật Đất đai 2003. “Riêng Đà Nẵng liên quan đến kết luận thanh tra 2852 về quá trình thực hiện Luật Đất đai từ năm 2003 đến 2010, qua tổng hợp rà soát có trên 1.300 dự án đang có vướng mắc. Thành phố đã nhiều lần kiến nghị, xem xét giải quyết những tồn tại từ khi thực hiện Luật đất đai 2003 đến nay”, ông Quảng cho biết.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/da-nang-lay-y-kien-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-post273951.html