Đà Nẵng tạm dừng thu chênh lệch trong hỗ trợ học phí

Trong phiên họp thường kỳ chiều 9-8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đã chỉ đạo tạm dừng việc thu hồi chênh lệch mức hỗ trợ học phí đã hỗ trợ theo nghị quyết số 46 và nghị quyết số 165 đối với việc hỗ trợ học phí tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2022-2023.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ chiều 9-8.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ chiều 9-8.

Ông Lương Nguyễn Triết đề nghị UBND TP rà soát các qui định pháp luật, đề xuất báo cáo HĐND TP quyết định chủ trương về việc có tiếp tục hỗ trợ theo nghị quyết 46 của HĐND TP hay không. Theo ông Triết, chính sách miễn học phí của Đà Nẵng là đặc thù, nhân văn, nhất quán. Việc thu chênh lệch mức học phí hỗ trợ giữa chính sách của Đà Nẵng với qui định của Trung ương khiến dư luận hiểu chưa đúng, vì thế tạm dừng để có hướng xử lý mới.

Chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới

Năm học này, ngoài các chính sách của Trung ương, thành phố tiếp tục hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Đặc biệt, theo dự báo, số lớp, số học sinh các cấp trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cao, trong khi quỹ số lượng người làm việc của thành phố không còn đủ để đảm bảo bố trí cho các trường học. Do đó, để đảm bảo bố trí giáo viên tăng thêm, thành phố tuyển thêm 537 chỉ tiêu hợp đồng lao động cho các đơn vị sự nghiệp công lập (Sở GDĐT: 58 hợp đồng lao động; các quận, huyện: 479 hợp đồng lao động).

Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên tiểu học, ngoài việc bỏ yêu cầu tiêu chuẩn về hộ khẩu thường trú tại thành phố và xếp loại tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong tuyển dụng giáo viên nói chung, thành phố sẽ tiếp nhận giáo viên ngoài thành phố về giảng dạy văn hóa tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn. Như vậy, các tiêu chuẩn để tiếp nhận giáo viên tiểu học đã được thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện việc tiếp nhận.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP cho biết, khâu tuyển giáo viên hợp đồng năm nay có nhiều đổi mới, nhất là việc tuyển từ ngoài thành phố. Ông Chinh nói: “Giáo viên mầm non, tiểu học mới căng thẳng chứ trung học phổ thông và trung học cơ sở thì tỷ lệ chọi rất cao, 1 chọi 10. Do bỏ tiêu chí tin học, ngoại ngữ nên áp lực với kỳ thi rất nhẹ nhàng, ai có năng lực sư phạm sẽ thi vào, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngay từ đầu năm”.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị ngoài giáo viên tiểu học cần quan tâm thêm giáo viên ngoại ngữ, tin học hiện nay cũng rất thiếu. Cần rà soát kỹ, cần thiết điều chuyển từ quận này sang quận khác để tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ. Về cơ sở vật chất trường lớp, ông Triết đề nghị phải rà soát lại để đảm bảo chủ trương học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, phải tính toán, có phương án căn cơ với các trường học trong quá trình sửa chữa, xây mới, học sinh học tạm thế nào. Đơn cử như vừa qua sửa trường Hoàng Văn Thụ hơn 1 ngàn học sinh không biết học chỗ nào phải lên Cung Thiếu nhi học tạm. Cung thiếu nhi không cho học thì không được mà cho học thì vi phạm qui định về quản lý sử dụng tài sản công. Mỗi trường học sửa chữa, xây mới cũng mất 2 năm, nhưng lại không có phương án để học sinh học tạm ở đâu.

Cần sử dụng hiệu quả quĩ đất công

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 8, sau khi nghe báo cáo tiến độ thực hiện Đề án quản lý và khai thác quĩ đất công, Chủ tịch HĐND TP đề nghị tiếp tục rà soát, thống kê lại quĩ đất công, nhất là các dự án chậm triển khai, đảm bảo sát số lượng thực tế. Ngoài ra cần tính toán lại việc phân cấp quản lý về quĩ đất hiện để hoang trong khu dân cư, có nên tiếp tục để Trung tâm phát triển quĩ đất thành phố quản lý hay giao về cho quận, huyện. Nếu vẫn để Trung tâm quản lý thì qui chế phối hợp với quận, huyện phải rõ ràng. Ông Triết nói, trong phương án sử dụng các lô đất trống ngoài việc cho thuê đang triển khai nhưng cũng hạn chế, thì cần phương án dọn dẹp vệ sinh môi trường, tránh tình trạng đổ rác, xà bần rất nhiều như hiện nay. Ngoài ra, cũng lưu ý rà soát, xử lý một số khu đất lớn trong khu dân cư để phục vụ công cộng, chẳng hạn như bãi đỗ xe tĩnh. Hoặc có thể làm công viên, vườn dạo kết hợp với bãi đỗ xe, giao cho cộng đồng dân cư tại đó quản lý, sử dụng. Việc đầu tư này vừa không tốn kinh phí lớn, khi cần sử dụng đất sẽ thu hồi, tuy nhiên lại giải quyết được nhiều việc.

Liên quan tới tiến độ các cụm công nghiệp, ông Triết đề nghi phải đẩy nhanh tiến độ để bố trí các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn xen kẽ trong khu dân cư. Hiện nay các cơ sở này bức xúc, sản xuất thì dân cư phản ánh, chính quyền xuống xử phạt, nhưng bảo di dời thì không biết đi đâu. Đà Nẵng qui hoạch 9 cụm công nghiệp tới năm 2030 nhưng đụng đến cụm nào cũng khó khăn. “Phải rà soát doanh nghiệp trong khu dân cư cần thiết phê duyệt phương án di dời cho họ. Trong thời gian chờ vào cụm công nghiệp không xử phạt họ, yêu cầu họ phải cam kết không làm ảnh hưởng môi trường dân cư”- ông Triết nói.

Ngoài ra, phiên họp thường kỳ cùng bàn các giải pháp, tiến độ triển khai các dự án, phương án thoát nước mưa, nước thải, chống sạt lở, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/da-nang-dung-thu-tien-chenh-lech-trong-ho-tro-hoc-phi-post281672.html