Trong thời Tam Quốc, Tào Tháo là một đại nhân vật có quyền lực lớn. Chính vì vậy, Tào Tháo rất cẩn trọng trong việc dùng người, nhất là những người có tiếp xúc gần gũi với ông.
Thầy thuốc chữa bệnh là một trong số những người tiếp xúc gần gũi với Tào Tháo. Do vậy, để trở thành người chữa bệnh cho Tào Tháo, thầy thuốc đó phải có thực lực, danh tiếng và được ông tin tưởng.
Khi ấy, Hoa Đà nổi lên là thầy thuốc xuất chúng khi chữa bệnh cho nhiều nhân vật danh tiếng, Trong số này có mưu sĩ của Tào Tháo là Trần Đăng.
Tào Tháo bị bệnh đau đầu kinh niên kể từ sau trận đánh Quan Độ. Ông được nhiều thầy thuốc bắt mạch, kê đơn và bốc thuốc nhưng tình hình sức khỏe không cải thiện.
Về sau, Tào Tháo mời Hoa Đà đến phủ để điều trị bệnh đau đầu cho mình. Khi ấy, danh y Hoa Đà sử dụng châm cứu và kê đơn thuốc cho Tào Tháo uống. Nhờ vậy căn bệnh đau đầu của Tào Tháo giảm hẳn nhưng chưa trị được tận gốc.
Khi bệnh tình của Tào Tháo khá hơn một chút, Hoa Đà xin phép về quê để xem lại sách y tìm ra cách chữa bệnh tận gốc cũng như thu thập các loại thuốc hiếm chữa bệnh cho ông. Kế tiếp, Hoa Đà lấy lý do vợ ốm để trì hoãn việc quay lại phủ chữa bệnh cho Tào Tháo.
Là một người đa nghi, Tào Tháo sai người về quê của Hoa Đà điều tra xem có thật như những gì Hòa Đà nói không. Theo đó, Tào Tháo phát hiện Hoa Đà nói dối nên cho người bắt và xử tử danh y này.
Từ đây, một số người cho rằng Tào Tháo nhất quyết giết chết Hoa Đà dù bệnh tình chưa trị khỏi dứt điểm là vì ông căm ghét những kẻ nói dối. Khi đã hoài nghi một người nào đó thì Tào Tháo sẽ không tin tưởng giao tính mạng cho người như Hoa Đà chữa bệnh.
Việc Hoa Đà cố tình kéo dài thời gian chữa bệnh tận gốc cho mình khiến Tào Tháo tức giận và sinh lòng hoài nghi.
Tào Tháo cũng tin rằng, trên đời không chỉ có mình Hoa Đà là danh y có tài có thể chữa bệnh đau đầu cho mình. Vì vậy, Tào Tháo không chút do dự khi xử chết Hoa Đà.
Mời độc giả xem video: Tỷ phú công nghệ chiếm ưu thế trong giới siêu giàu Trung Quốc. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (TH)