Dự báo chiều cao người Việt Nam đến năm 2030
Chuyên gia cảnh báo thiếu hụt vitamin D ở trẻ em vẫn phổ biến và đang ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chiều cao người Việt Nam
Ngày 6-11, tại hội thảo khoa học về vai trò của vitamin trong việc cải thiện mật độ xương và tăng trưởng chiều cao ở trẻ em, do Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều bằng chứng khoa học, khuyến nghị mới và những sai lầm trong việc thúc đẩy phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ em.
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, cho biết ước tính 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi. Đây cũng là dạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất ở trẻ em Việt Nam và là một yếu tố ảnh hưởng đến tầm vóc của người Việt Nam khi trưởng thành.
Theo các báo cáo tại hội thảo, tình trạng thiếu hụt vitamin D ở trẻ em tại Việt Nam vẫn phổ biến và đang ảnh hưởng không tốt đến phát triển chiều cao của trẻ em.
Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết giai đoạn mang thai và 2 năm đầu đời đã quyết định đến hơn 50% tầm vóc cơ thể. Vì vậy, thành quả của tăng tốc chiều cao là của một quá trình can thiệp sớm, lâu dài và bền vững.
Yếu tố đầu tiên quyết định chiều cao của trẻ là di truyền, chiếm khoảng 23% nhưng dinh dưỡng lại đóng góp đến 32% trong quá trình phát triển của trẻ. Để thu hẹp khoảng cách chiều cao người Việt với các nước hàng đầu châu Á, ngoài yếu tố gene, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ... cho trẻ.
Nhiều người quan niệm Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều ánh nắng, trẻ em không bị thiếu vitamin D nên không cần bổ sung. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2022 tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy có tới hơn 50% trẻ sơ sinh thiếu vitamin D.
Để cung cấp đủ nhu cầu của trẻ, các chuyên gia cho rằng ngoài tắm nắng đúng cách, cần bổ sung vitamin D từ chế độ dinh dưỡng hằng ngày và các chế phẩm bổ sung. Vitamin D giúp hấp thụ canxi hiệu quả, thiết hụt chất này sẽ dẫn tới còi xương ở trẻ.
"Tắm nắng cho trẻ nhỏ giúp cơ thể sản sinh đủ lượng vitamin D cần thiết, hạn chế tình trạng còi xương, chữa chứng bệnh vàng da sơ sinh. Nên cho trẻ tắm nắng lúc 8-10 giờ sáng hoặc 16-17 giờ chiều, 15-20 phút mỗi lần, 3 lần trong 1 tuần. Khi tắm nắng chỉ cần đội mũ, để ánh nắng chiếu trực tiếp vào phần lưng, bụng, tay, chân của trẻ"- ông Sơn khuyên.
Theo ông Sơn, số liệu mới nhất cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 168,1 cm với nam giới, và nữ đạt 156,2 cm. So với 10 năm trước, nam thanh niên cao trung bình 164,4 cm, tăng 3,7 cm.
Chiều cao người Việt sinh từ năm 2000 trở lại đây tốt hơn giai đoạn trước, tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước. Hiện người dân Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 3,7 cm/10 năm ở nam và 2,6 cm/10 năm đối với nữ.
Chiều cao của người Việt Nam hiện đứng thứ 153/201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, dự đoán đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam sẽ xấp xỉ 1 m 72, nữ giới gần chạm mốc 1 m 59.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-bao-chieu-cao-nguoi-viet-nam-den-nam-2030-196241106140003252.htm