Đặc sắc ẩm thực với hồng bì

Quả hồng bì ngọt dịu, hơi the và khá dễ ăn, trong Đông y đánh giá là có nhiều tác dụng tốt. Loại quả này có thể ăn trực tiếp hoặc phơi khô làm thuốc, chế biến một số món bồi bổ sức khỏe.

Loại trái cây bình dị

Tháng 7 là mùa hồng bì chín rộ và được bán khá nhiều. Quả theo dạng chum, nhỏ cỡ đầu ngón tay cái, màu vàng đất có chút xù xì chứ không rực rỡ như những thức quả khác. Ấy thế mà nhỏ lại “có võ” đấy. Theo Đông y, hồng bì vị chua ngọt dễ chịu, tính ấm, hỗ trợ tốt trong việc chống ho, tiêu đờm, kích thích tiêu hóa, vỏ có nhiều tinh dầu cay nên hỗ trợ cả trong việc giảm đau và chống chứng khó tiêu… Thế nên, cứ vào mùa hồng bì là nhiều cô, dì tranh thủ tích lấy vài cân ngâm đường phèn, mật ong để ngậm giảm ho mỗi khi trở trời.

Thoạt nhìn, người chưa biết rất dễ lầm tưởng hồng bì với quả mắc mật, bởi chúng có hình dáng giống nhau, mùi cũng na ná nhau. Chỉ có điều quả mắc mật thơm đậm hơn, mùi tinh dầu cay the hơn, còn hồng bì thiên về tròn dài và trên vỏ có lông, màu sắc thì vàng đậm.

Hồng bì là loại quả dân dã nên chẳng cần phải bày biện trên kệ như những loại trái cây nhập khẩu “sang chảnh” khác. Những chùm hồng bì chín mọng khi thì lắc lư trên gánh hàng rong đi dọc phố, khi thì rong ruổi trên những chiếc mẹt được chằng buộc tạm sau chiếc xe đạp thồ, lúc thì khuất nẻo một góc bên quầy rau buổi sớm… Nó giản dị cả ở trong giá thành, chỉ khoảng 20 - 25 nghìn/kg. Quả hồng bì khi chín già thì màu vàng đất càng đậm, hơi chút rám bồ hóng. Ấy là lúc quả ngọt nhất, vị the the đã giảm khá nhiều. Mùa hồng bì không quá dài, chỉ tới đầu tháng 8 là hết.

Được trồng khá nhiều ở các tỉnh trung du và miền núi như Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh… nhưng thị trường tiêu thụ hồng bì phần lớn lại là Hà Nội. Những ngày này cứ ra chợ là kiểu gì cũng thấy, kiểu gì chị em nội chợ cũng “thửa” lấy vài chùm về ăn hay chế biến một loại thức uống nào đó giải khát, bồi bổ cơ thể.

Nhiều món ngon không thể bỏ qua

Quả hồng bì sau khi nhặt bỏ cuống đem rửa sạch, sau đó ngâm qua nước muối hoãng độ nửa tiếng cho sạch. Nếu ngâm đường phèn hoặc mật ong thì người ta sẽ bỏ hạt, chỉ sử dụng phần vỏ và cùi thịt. Bởi quả hồng bì đã có vị ngọt sẵn nên tỷ lệ đường, mật ong chỉ cần bằng một nửa so với hồng bì là được. Ngâm trong vòng từ 1 tuần đến 10 ngày là có thể đem ra sử dụng bằng cách pha với nước ấm để uống, hoặc ngậm trực tiếp quả hồng bì trong miệng cho ấm họng, giảm ho.

Hồng bì cũng có thể đem ngâm đường với tỷ lệ 1:1 để làm nước giải khát. Cũng giống như cách ngâm với đường phèn và mật ong, có thể cho thêm chút gừng thái sợi, vài lát chanh cho thơm và có vị chua dễ uống. Ngâm khoảng 1 ngày cho đường tan thì tách lấy nước đem đun sôi trên lửa nhỏ, sau đó để nguội rồi lại bỏ hồng bì vào đun thêm lần nữa nhằm tránh lên men. Hồng bì ngâm đường có thể pha trực tiếp uống giải khát. Nếu pha với trà đen thì thêm đá để có món trà hồng bì, thậm chí có thể kết hợp với một số loại rượu cocktail, trà kumbucha… cho mùi thơm ngon rất lạ.

Mứt hồng bì là món phổ biến nhất mà người ta hay làm. Mứt có vị ngọt, hơi the the, ăn như một vị thuốc dân gian. Làm mứt hồng bì cũng khá đơn giản. Sau khi sơ chế sạch và tách hạt thì đem hồng bì trộn với đường theo tỷ lệ nửa cân đường và 1 cân quả hồng bì. Tỷ lệ này đảm bảo vừa đủ độ ngọt và không quá gắt, nhưng nếu muốn cũng có thể tăng giảm theo khẩu vị riêng. Ngâm độ 6 tiếng là hồng bì sẽ ra nước, đường tan, lúc này đem đi sên trên lửa nhỏ. Tùy theo gu ăn mà sẽ lựa chọn cách sên khác nhau. Có thể sên cho đến khi phần vỏ hồng bì màu vàng đậm, nước đường sánh keo lại thì trút ra để nguội dùng dần. Hoặc có thể sên đến khi vỏ hồng bì có màu nâu óng mới vớt ra sấy dẻo. Phần nước si rô còn thừa có thể đem pha trà, pha nước giải khát, trộn với các loại nước trái cây, thậm chí đem ướp đồ nướng cũng khá thú vị.

Hồng bì mà đem kết hợp với các món mặn cũng ngon, ví dụ như kho với thịt ba chỉ chẳng hạn. Thắng một chút đường để tạo màu, sau đó cho ba chỉ vào đảo đều, thêm nước mắm và gia vị, đổ nước xăm xắp mặt thịt. Đợi nước kho sôi thì chọn những quả hồng bì to mọng bóp nhẹ cho vỡ ra rồi thả vào nồi thịt, có thể để cả hạt hoặc bỏ hạt đều được. Kho lửa nhỏ tới khi thịt chín mềm và cạn nước thì bắc xuống, thêm chút tiêu, phần thịt ăn béo ngậy nhưng lại thơm mùi tinh dầu của vỏ hồng bì. Quả lúc này ăn có vị the the, ngọt ngọt, mặn mặn, hạt không hề đắng mà bùi bùi, rất hợp với cơm trắng. Có thể thay thịt ba chỉ bằng cách kho hồng bì với sườn non cũng rất hợp.

Với món hồng bì hầm gà, chọn gà đen hoặc gà ri, gà mái tơ là hợp nhất. Gà đem tẩm ướp với gia vị đầy đủ, thêm hạt sen hoặc hạt dẻ, kỳ tử, táo đỏ, nấm đông cô, quả hồng bì phơi khô hoặc quả tươi đều được. Đổ nước xăm xắp mặt gà hoặc cho vào tô riêng đem hầm cách thủy độ tầm 3 tiếng là được. Món gà hầm hồng bì có tính ấm nên rất hợp với người mới ốm dậy hoặc cảm mạo, có tác dụng làm ấm họng, ấm cơ thể… Đây là món bổ dưỡng cho cơ thể, giúp bổ sung, tái tạo sức khỏe. Vỏ hồng bì phơi khô có thể kết hợp với một số loại thảo mộc khác dùng làm trà, hoặc là một vị thuốc uống hỗ trợ rất tốt cho cơ thể.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dac-sac-am-thuc-voi-hong-bi-post582086.antd