Đặc sản Hà Nội ngày Tết: 'Chặt chém', tăng giá vô tội vạ
Giống như mọi năm, tại Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa xuyên Tết Nguyên đán đã đồng loạt tăng phí dịch vụ lên 30% - 50%, thậm chí có nơi tăng giá gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường.
Đặc sản Hà Nội ngày Tết: “Chặt chém”, tăng giá vô tội vạ
Giống như mọi năm, tại Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa xuyên Tết Nguyên đán đã đồng loạt tăng phí dịch vụ lên 30% - 50%, thậm chí có nơi tăng giá gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường.
Đơn cử, trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), một bát bún riêu đầy đủ “topping” ngày thường có giá 40.000 đồng/bát, thì trong 4 ngày Tết vừa qua đã tăng lên 70.000 - 80.000 đồng/bát, tăng gấp đôi ngày thường.
Ngày thường, bát bún riêu này có giá 40.000 -50.000 đồng, nhưng trong ngày Tết đã tăng lên 70.000 đồng/bát.
Tương tự trên phố Trường Chinh, tại một cửa hàng phở có tiếng, giá một bát phở ngày thường có giá 40.000 đồng/bát, thì ngày Tết cũng đã tăng lên 60.000 đồng/bát, tăng khoảng 50%.
Điều đặc biệt, càng vào khu vực trung tâm thành phố, mức tăng giá càng cao. Tại khu vực quận Hoàn Kiếm, các cửa hàng ăn uống vỉa hè trên các phố Hàng Điếu, Hàng Gà, Hàng Chiếu, Hàng Khoai... đều tăng giá gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.
Trên một fanpage triệu người theo dõi trên Facebook, một số người dùng mạng xã hội cũng chia sẻ về hiện tượng phí dịch vụ tăng giá phi lý tại khu vực trung tâm thành phố.
Anh A.T chia sẻ: “Hôm mùng 3 Tết, vợ chồng tôi có đến một quán bún riêu vỉa hè trên phố Hàng Khoai để thay đổi khẩu vị ngày Tết. Khi thanh toán, chủ quán hét giá 90.000 đồng/bát. Hai vợ chồng phải thanh toán 180.000 đồng cho 2 bát”.
Anh T. cho biết, tưởng rằng với mức giá 90.000 đồng, bát bún riêu này sẽ đầy đặn và hấp dẫn. Tuy nhiên, mức giá cao không đi cùng với chất lượng.
“Bên trong chỉ có 1 miếng gió, vài miếng đậu rán và vài miếng thịt bò cắt mỏng như tờ giấy. Với mức giá này, thực sự là quá đắt”, anh T. chia sẻ.
Một phàn nàn trên mạng xã hội về hiện tượng tăng giá trong ngày Tết.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, chủ của một cửa hàng bún riêu trên phố Bạch Mai chia sẻ: Giá cả ngày Tết rất đắt đỏ, đặc biệt là các loại rau xanh thường tăng giá gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. Do đó, tăng giá trong ngày Tết là điều đương nhiên.
Đó là chưa kể, trong ngày Tết, đáng nhẽ phải được nghỉ ngơi, thì các cửa hàng này kinh doanh xuyên Tết là phải có phí dịch vụ, phí phụ thu.
“Người làm công việc hành chính làm ngày việc ngày Tết còn được nhân đôi, nhân ba lương, thì chúng tôi tăng giá là chuyện bình thường. Ngày Tết mà”, vị này nói.
Không chỉ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, tại một số cửa hàng cà phê, chủ cửa hàng cũng tăng phí dịch vụ ngày Tết, nhẹ thì tăng 20% - 30%, cao hơn là 50%, thậm chí có nơi còn tăng phí phụ thu ngày Tết lên 100%.
Tranh cãi việc phí dịch vụ tăng gấp đôi trong ngày Tết
Trước hiện tượng tăng giá dịch vụ gấp đôi, gấp ba lần trong những ngày diễn ra Tết Nguyên đán, rất nhiều người tiêu dùng tại Hà Nội cho rằng đây đã là “đặc sản” của Thủ đô, năm nào cũng xuất hiện. Có một số người cho rằng, Tết tăng giá là điều đương nhiên, nhưng cũng có người không đồng ý, vì mức giá tăng cao phi lý.
Chị Bùi Việt Hà, hiện sinh sống trên phố Hàng Bông cho rằng, trong những ngày Tết, việc các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tăng giá là điều dễ hiểu, thế nhưng, chỉ nên tăng ở ngưỡng 20% - 30%, hoặc cao nhất là 50% là cùng. Trong khi mức tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với ngày thường là chặt chém, quá cao.
“Ngày Tết, mọi thứ đều tăng giá nên việc các cửa hàng tăng phí dịch vụ là điều dễ hiểu. Nhưng mức tăng gấp đôi là quá cao, người tiêu dùng cũng cảm thấy bất mãn khi bị chặt chém”, chị Hà Nội.
Tại một số cửa hàng cà phê, chủ cửa hàng cũng tăng phí dịch vụ ngày Tết, nhẹ thì tăng 20% - 30%, cao hơn là 50% - 100%.
Trong khi đó, anh Giang Nam, thường trú trên phố Hàng Bài tỏ ra gay gắt: “Tôi đồng ý ngày Tết, phải có phí phụ thu, nhưng mức tăng phải ở mức chấp nhận được”.
Theo anh Nam, chủ quán muốn tăng giá, cũng phải treo biển công khai giá bán, ở chỗ dễ nhìn, thuận tiện cho người tiêu dùng. Để họ tham khảo, nếu phù hợp thì họ sử dụng dịch vụ, còn giá tăng quá cao họ có thể tìm hiểu một cửa hàng khác.
“Tôi thấy nhiều cửa hàng có xu hướng “bẫy” người tiêu dùng. Biển công khai giá bán không có, nên khi khách hàng thanh toán tiền, thì họ mới ngã ngửa ra giá bán tăng gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường”, anh Nam nói.
Cũng theo vị khách hàng này, người tiêu dùng Hà Nội cũng khá dễ dãi trong ngày Tết. Nhiều người biết bản thân bị chặt chém, nhưng vì dĩ hòa vi quý, đặc biệt là trong ngày Tết không muốn làm to chuyện, nên họ đành chấp nhận.