Đại biểu lo ngại việc 'hình sự hóa' hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm y tế

Về quy định xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm y tế, đại biểu cho rằng, nên xem xét trong các trường hợp có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội…

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế

Chiều nay, 24/10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Đóng góp cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng, quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế là cần thiết, song phải nghiên cứu kỹ hơn để tương đồng với Luật Bảo hiểm xã hội về trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đại biểu, quy định như dự thảo luật hiện nay chưa thực sự chặt chẽ và dễ dẫn đến việc có thể sẽ ngay lập tức “hình sự hóa” hàng loạt, đại biểu cho rằng điều này không ổn đối với người sử dụng lao động.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trên cơ sở quy định rõ quy trình đăng ký tham gia để quy định các hành vi liên quan đến các mốc thời gian đăng ký; đồng thời những hành vi liên quan đến thời hạn đóng thì phải kèm theo điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định.

“Trong các trường hợp có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội” - đại biểu Trần Thị Hiền nêu.

Đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quốc hội

Trước đó, trình Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, dự luật cũng sửa đổi, bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 49 theo hướng bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;

Dự thảo cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với hành vi chậm đóng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế…

Tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho học sinh, sinh viên

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đề nghị xem xét, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho học sinh, sinh viên và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp. Cụ thể, đại biểu đề xuất mức hỗ trợ từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.

Đại biểu phân tích, mặc dù đối tượng này đang được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% người tham gia bảo hiểm y tế phải tự đóng và tùy thuộc vào ngân sách của từng địa phương có thể hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, đa phần nhóm đối tượng này đều phải tự đóng 70% và mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.

Trên thực tế vừa qua khi mức lương cơ sở tăng thêm 30% thì giá trị thẻ bảo hiểm y tế cũng tăng thêm 30%. Điều này đồng nghĩa với việc người tham gia bảo hiểm phải chi từ tiền túi của họ thêm 30% so với trước đây, tương đương với 884.000 đồng/người/năm, thay vì trước đây chỉ mất 680.000 đồng/năm.

Đại biểu Đoàn Trà Vinh cho rằng, việc tăng mức hỗ trợ lên tối thiểu 50% như đề xuất vừa đạt mục tiêu bao phủ tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng cũng vừa giảm bớt khó khăn cho đối tượng này.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, việc quy định đối tượng học sinh, sinh viên được tự lựa chọn tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như: việc đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác lập danh sách và quản lý đối tượng; việc trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhà trường không chính xác; học sinh, sinh viên viện cớ tham gia theo hộ gia đình để trốn tránh tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên vào đầu năm học; đồng thời khó khăn trong quản lý và đánh giá tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại trường học.

Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên như quy định Luật Bảo hiểm y tế hiện hành (học sinh, sinh viên tham gia theo đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng). Đối với việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình từ người thứ 3 trở đi, số tiền người tham gia đóng sẽ thấp hơn đóng theo học sinh, sinh viên…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dai-bieu-lo-ngai-viec-hinh-su-hoa-hanh-vi-cham-tron-dong-bao-hiem-y-te-399059.html