Đại biểu Quốc hội: Cần có quy hoạch chuyên ngành về di sản văn hóa
Đại biểu Trần Việt Anh đề nghị cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kĩ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học để triển khai các dự án không bị dừng lại vì quy hoạch.
Sáng 30/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và tiến hành thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan.
Từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
Báo cáo về những kết quả chính đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành; kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí.
Qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kĩ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa
Đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát và đánh giá cao việc lựa chọn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019", đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, quy hoạch chính là công cụ để các cấp, các ngành cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Luật Quy hoạch năm 2017 được đánh giá là công cụ quản lý rất tiến bộ với 8 loại hình, gồm 111 quy hoạch, cấp quốc gia là 42 quy hoạch, cấp vùng là 6 quy hoạch, cấp tỉnh, thành phố là 63 quy hoạch. Với mục tiêu đề ra là thống nhất các quy hoạch theo tầng, bậc để quản lý đồng bộ.
Tuy nhiên sau hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Cho đến nay chỉ có 3 quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch năm 2017.
Qua khảo sát thực tế tại địa phương, đại biểu cho rằng, vẫn còn thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành, cụ thể là các di sản đô thị do phải tích hợp các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quy hoạch tỉnh, thành phố.
Hiện nay về nguồn vốn thực hiện quy hoạch đã được Nghị quyết 119 của Chính phủ năm 2021 tháo gỡ nhưng các luật và Nghị định chuyên ngành vẫn chưa kịp như Nghị định 166/2018/NĐ-CP về quy định thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Do đó, đại biểu Trần Việt Anh đề nghị cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kĩ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học để triển khai các dự án không bị dừng lại vì quy hoạch.
Đại biểu cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong Luật Quy hoạch năm 2017 cần phải đồng thời rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành thì mới có đủ điều kiện thực hiện Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó cần được bổ sung, làm rõ về vấn đề thẩm quyền, thẩm định phê duyệt đối với không gian ngầm đô thị.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn ĐBQH TP.HCM) thống nhất với các nội dung trong báo cáo, nhất là 8 đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Qua tham gia giám sát công tác quy hoạch cùng những kiến nghị của cử tri tại địa phương, đại biểu Hà Phước Thắng góp ý vào nội dung này và đưa ra 4 đề xuất. Trong đó, đại biểu Hà Phước Thắng kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút nhiều nguồn đầu tư để đầu tư nhanh vào những khu vực quy hoạch chức năng công cộng như công viên, trường học, bệnh viện để quy hoạch sớm được thực thi, tạo thêm nhiều thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn và sớm ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực có quy hoạch các công trình công cộng nêu trên.