Đại biểu Quốc hội đề nghị tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích

Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đồng tình với nhiệm vụ giải pháp đã được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết: "Đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật".

Trong đó, bao gồm nội dung là "Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, không thống nhất hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động tích cực sửa đổi".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận sáng 4/11.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận sáng 4/11.

Trên cơ sở đó và từ các kiến nghị của cử tri địa phương, đại biểu Lưu Bá Mạc đóng góp thêm một số vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương.

Đối với vướng mắc về thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích. Hiện nay đang có 3 nội dung khác nhau về quy định tại hai Nghị định 166/2018/NĐ-CP và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về: thẩm quyền thẩm định, cơ quan đóng dấu thẩm định, đơn vị trình phê duyệt dự án, từ đó dẫn tới có những cách hiểu và thực hiện khác nhau, kéo theo tranh luận trái chiều nhau không dứt, giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh ở các địa phương...

Theo điểm a, b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP có quy định, thẩm quyền thẩm định các dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích là của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tùy theo di tích các cấp; và không quy định về Đóng dấu thẩm định. Còn đơn vị trình phê duyệt dự án là chủ đầu tư.

Còn theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP năm 2021 lại có quy định: "Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với công trình thuộc dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh"; Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc người quyết định đầu tư có trách nhiệm đóng dấu thẩm định; còn Đơn vị trình phê duyệt dự án là cơ quan chủ trì thẩm định.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bá Mạc, thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích thì giống nhau, đều là người quyết định đầu tư. Do vậy, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cân nhắc, sửa đổi, thống nhất nội dung quy định thực hiện như đề cập nêu trên, đảm bảo sự thống nhất, rõ ràng trong triển khai thực hiện, tránh sự đùn đẩy, tranh luận trái chiều nhau không dứt trong quá trình thực hiện.

Hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm đến tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng, cần tập trung hơn nữa vào khâu xin ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp.

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18.9% trong tổng số các quy định được rà soát). Theo đại biểu, đây là một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

"Con số hơn 3000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua", đại biểu cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp…

Đại biểu phản ánh, hiện nay theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định đầy đủ các bước, quy trình để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định được đăng tải công khai trên các Cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, hiệu quả của công việc này chưa cao. Có những Cổng thông tin của các Bộ, ngành rất ít người dân truy cập để ý kiến, phản hồi về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu chỉ rõ thực tế, Bộ pháp điển của Việt Nam hiện nay đang rất lãng phí vì chưa có nhiều tổ chức, cá nhân biết đến và sử dụng. Trong khi đó, một trong những mục tiêu hướng đến của bộ pháp điển là giúp các tổ chức, cá nhân tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu đáp ứng nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật. Trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: "Mức độ hiểu biết, tra cứu, sử dụng bộ pháp điển của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế".

Do vậy, đại biểu đề nghị trong tổng số các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cách tra cứu, sử dụng bộ pháp điển và nâng cao chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử pháp điển.

Xuân Trường - Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-thao-go-vuong-mac-ve-tham-quyen-tham-dinh-du-an-tu-bo-di-tich-20241104105019257.htm