Đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề nóng, thiết yếu

Siết quản lý việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử để chống thất thu thuế, bảo vệ người tiêu dùng và hàng hóa trong nước

Sáng 26-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025… Thông tin về sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu của Trung Quốc cũng như nguy cơ hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.

"Cảnh báo lớn", hành động ngay!

Thảo luận tại đoàn ĐBQH Hà Nội, GS-TS Hoàng Văn Cường dẫn chứng sàn TMĐT Temu thời gian gần đây quảng cáo rầm rộ, hàng hóa giảm giá sâu, rất rẻ so với mặt bằng chung. Ông cho rằng đây là "cảnh báo lớn" rất cần quan tâm, bởi nếu không có giải pháp kiểm soát, người tiêu dùng sẽ mua hàng qua các kênh TMĐT giá rẻ, chưa được kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng đến thị trường trong nước. "Có nguy cơ hàng hóa giá rẻ nước ngoài triệt tiêu hàng sản xuất trong nước" - ĐB Cường nhấn mạnh và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hành động ngay.

Dẫn chứng tình trạng nhiều hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc nhưng "đội lốt" hàng Việt Nam, có sẵn nhãn mác Việt Nam khi nhập về nước, ĐB Cường đề nghị cần tăng cường kiểm soát chất lượng hàng trên TMĐT, một mặt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một mặt để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, ĐB Cường kiến nghị cần có chính sách xây dựng các sàn TMĐT trong nước đủ sức cạnh tranh với sàn TMĐT nước ngoài.

ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, bày tỏ quan ngại khi hàng giá rẻ bán trên các sàn TMĐT quốc tế đang tràn vào Việt Nam khi chưa được cấp phép hoạt động. "Hiện nay, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ở Việt Nam rất quan ngại với hàng giá rẻ được bán qua sàn TMĐT toàn cầu. Đề nghị Chính phủ rà soát hoạt động này để có biện pháp phù hợp về thuế, quy tắc xuất xứ… nhằm bảo đảm thương mại công bằng, thậm chí cần có biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết" - ĐB Hiếu nhấn mạnh.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết doanh thu giao dịch trên 5 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam 9 tháng đầu năm gần đạt mức 225.000 tỉ đồng. Con số rất lớn này đặt ra vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và DN Việt, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Theo PGS Ngân, khi sửa đổi Luật Quản lý thuế, cần nghiên cứu và quy định cụ thể về kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và các nền tảng khác được thực hiện ở nước ngoài. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài có hoạt động TMĐT tại Việt Nam sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam thông qua phương thức trực tiếp hoặc ủy quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

"Đây là những quy định rất cần thiết để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các DN, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm xuất xứ và chất lượng hàng hóa, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh" - ông Ngân phân tích.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị có quy định cụ thể về kinh doanh thương mại điện tử khi sửa đổi Luật Quản lý thuêÁ̉nh: HỒ LONG

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị có quy định cụ thể về kinh doanh thương mại điện tử khi sửa đổi Luật Quản lý thuêÁ̉nh: HỒ LONG

Có thể tăng lương vào năm 2026

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết năm 2023, nước ta đã tăng 20,8% lương cơ sở; năm 2024 tăng 30% lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công; đồng thời cũng điều chỉnh chế độ lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng khác.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đến năm 2026, Chính phủ sẽ đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó tiếp tục thực hiện cho phù hợp. "Năm 2025 có thể tạm thời dừng lại việc tăng lương cơ sở. Đến năm 2026, chúng ta có thể tiếp tục có điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng Chính phủ có thể không tăng lương khu vực công nhưng phải xem xét tăng lương hưu và tăng trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công vào năm 2025. Ngoài ra, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh và nộp thuế thu nhập cá nhân để cải thiện thu nhập của người dân, hỗ trợ tăng trưởng.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ công bố mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu để các địa phương dễ dàng thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, ĐB Nhân cũng đề nghị xây dựng bộ chỉ số hạnh phúc quốc gia, cũng như có báo cáo đánh giá về chỉ số phát triển con người của Việt Nam...

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) thì đề cập việc kỷ luật đảng viên khi sinh con thứ 3. Theo bà Lan, chính sách cấm đảng viên sinh con thứ 3 cần thiết ở thời điểm trước đây. Nhưng hiện nay, khi tỉ suất sinh thấp, chúng ta đã thay đổi về quan điểm thì rất cần sự thay đổi của chính sách đối với đảng viên, cán bộ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: "Tổng cục Thuế đang cho kiểm tra dữ liệu và yêu cầu Temu đến kê khai nộp thuế. Nếu không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý".

Cần ổn định thị trường vàng

ĐB Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho biết từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng liên tục biến động, giá vàng tăng cao tác động tiêu cực đến cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến tình hình KT-XH nói chung. Mặc dù Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan phối hợp, đưa ra nhiều giải pháp để quản lý nhưng đến nay thị trường vàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và dự báo còn có nguy cơ tăng cao hơn vào cuối năm.

"Giá vàng ở trong nước tăng cao, cung không đáp ứng đủ cầu. Người dân phản ánh việc đặt mua vàng trực tuyến gặp khó khăn, lượng vàng bán ra nhỏ giọt trong khi giá ngoài thị trường biến động rất cao, tình trạng nhập lậu vàng vẫn là những vấn đề tồn tại trong thời gian qua. Đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu để ổn định thị trường vàng" - ĐB Ánh nói.

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-nhieu-van-de-nong-thiet-yeu-196241026200627086.htm