Đái dầm ở trẻ có cần điều trị?

Đái dầm là bệnh tiểu tiện không tự chủ, hay gặp ở trẻ em 5 - 6 tuổi, xảy ra thường xuyên vào ban đêm hoặc lúc ngủ trưa. Nhiều cha mẹ khi thấy trẻ đái dầm thường băn khoăn, lo lắng liệu con mình có bị ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển không?

Đái dầm là hiện tượng không có khả năng kiểm soát tiểu tiện trong lúc ngủ ở trẻ ≥ 5 tuổi. Đái dầm là vấn đề phổ biến ở trẻ, khoảng 15% trẻ 5 tuổi, 10% trẻ lên 10 và chỉ 1 - 2% trẻ trên 15 tuổi. Đái dầm không gây nên bệnh lý nghiêm trọng và hầu hết tự giải quyết ở tuổi trưởng thành. Tuy không phải và vấn đề sức khỏe thể chất nghiêm trọng nhưng đái dầm cực kì ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ cũng như dẫn đến những xung đột trong gia đình.

Tác động tâm lý tiêu cực nhất của đái dầm là làm xói mòn lòng tự tin ở trẻ. Khi mắc chứng bệnh này, đa số trẻ nghĩ có điều gì đó không ổn với con người mình. Nhiều bé tin đó là sự trừng phạt cho những suy nghĩ hay việc làm sai lầm của bản thân.

Trẻ cảm thấy xấu hổ, lo lắng hoặc tự ti. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, cũng như việc học của trẻ. Trẻ hay đái dầm có thể ngại đi chơi xa, không dám ngủ ở nhà bạn. Thậm chí anh chị em của trẻ có thể phải ngủ riêng. Bố mẹ ngày nào cũng phải lau chùi phòng, giường nệm và quần áo trẻ. Sự căng thẳng và mệt mỏi kéo dài có thể khiến cha mẹ nổi nóng, thậm chí còn trừng phạt khi con đái dầm.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám về bệnh đái dầm?

Khi tình trạng đái dầm ở trẻ kéo dài trên 5 tuổi, đái dầm thường xuyên cả ban ngày và ban đêm. Đái dầm không liên tục từ bé, lúc bị lúc không, trẻ đái dầm kèm theo sụt cân hoặc khát nước… thì cha mẹ cần cho trẻ tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Ngoài ra, tình trạng đái dầm ở trẻ gây rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ… cũng cần phải khám để được điều trị.

Đái dầm là bệnh tiểu tiện không tự chủ, hay gặp ở trẻ em 5 - 6 tuổi.

Đái dầm là bệnh tiểu tiện không tự chủ, hay gặp ở trẻ em 5 - 6 tuổi.

Cần làm gì khi trẻ đái dầm?

Cha mẹ khi thấy trẻ đái dầm không nên đùa hoặc gây căng thẳng cũng như trách mắng trẻ, vì như vậy khiến trẻ xấu hổ, tự ti càng làm nặng thêm tình trạng đái dầm. Thay vào đó hãy ghi nhật kí đi tiểu để khen ngợi, tặng phần thưởng cho những ngày không bị đái dầm.

Nếu trẻ bị đái dầm cha mẹ cần hạn chế đồ uống có đường và các loại nước ngọt, đặc biệt là vào buổi tối. Hạn chế lượng chất lỏng vào buổi tối (sau 5 giờ chiều không dùng quá 20% tổng lượng cả ngày). Không nên mặc tã vào ban đêm vì làm trẻ mất động lực dậy để đi tiểu.

Các phương pháp dân gian để điều trị đái dầm như nhện nhện, dế mèn, bọ ngựa… chưa được chứng minh là có hiệu quả điều trị bệnh đái dầm. Vì vậy, cha mẹ không nên trị đái dầm bằng các biện pháp mách bảo, truyền miệng.

Các phương pháp chữa đái dầm ở trẻ

Cha mẹ không nên quá lo lắng rằng con mình sẽ khó ngủ sau khi tỉnh dậy đi tiểu, vì trẻ nhỏ rất dễ ngủ lại. Cha mẹ trẻ hãy dùng đồng hồ báo thức có điểm tiếp nhận độ ẩm dán vào quần lót của trẻ. Khi nước tiểu chảy ra 1- 2 giọt, chuông báo thức sẽ kêu lên, cha mẹ sẽ gọi trẻ tỉnh dậy thực sự để đi tiểu. Lưu ý rằng trẻ phải thực sự tỉnh táo, não bộ mới nhận được tín hiệu, phản xạ đi tiểu mới hiệu quả.

Thời gian trẻ được dùng đồng hồ khoảng 3 tháng. Nhưng bên cạnh đó, ở một số trẻ ra nhiều mồ hôi làm ướt quần thì đồng hồ sẽ báo tín hiệu nhầm. Phương pháp này đòi hỏi cha mẹ trẻ cần phải kiên trì.

Ở một số trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống bài niệu. Thuốc sử dụng cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ để tránh biến chứng. Khi dừng thuốc có thể tái phát, cần giảm liều từ từ để hạn chế tái phát. Ngoài ra, tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số thuốc phối hợp khác.

Tóm lại: Đái dầm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở trẻ em. Hiện tượng này thường sẽ tự mất đi khi trẻ lớn dần. Nếu bệnh đái dầm vẫn xuất hiện ở tuổi lớn hơn thì có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý liên quan đến tiết niệu và thần kinh. Bệnh đái dầm không nguy hiểm tính mạng, nhưng tạo ra ức chế tâm lý, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, nếu tình trạng đái dầm khiến cha mẹ lo lắng hoặc nghi ngờ là bệnh lý thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

BS. Nguyễn Thị Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dai-dam-o-tre-co-can-dieu-tri-169241105075844069.htm