Đại diện WHO: Nên ưu tiên áp dụng hệ thống hỗn hợp trong sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Tại hội thảo 'Trao đổi về một số nội dung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)' do Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vừa tổ chức, chuyên gia của tổ chức WHO cho rằng cần thiết cải cách thuế TTĐB và khuyến nghị áp dụng hệ thống tính thuế hỗn hợp thay cho hệ thống tương đối hiện nay.
Cải cách thuế TTĐB thúc đẩy nhiều mục tiêu
Theo bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thuế TTĐB là một công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng. Theo đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách thuế TTĐB hiện hành còn bộc lộ một số bất cập và hạn chế.
Cụ thể, cơ cấu thuế suất với một số nhóm mặt hàng chưa thật sự mang lại hiệu quả, chưa góp phần giảm tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng của các sản phẩm chịu thuế. Căn cứ tính thuế còn chưa được cập nhật so với các thông lệ tốt của quốc tế và chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng đối với các sản phẩm có hại với sức khỏe cũng như mục tiêu khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Toàn cảnh hội thảo “Trao đổi về một số nội dung của Luật Thuế TTĐB”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS,TS Vũ Sỹ Cường - Phó trưởng bộ môn Phân tích tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, xu hướng tiêu dùng và bối cảnh kinh tế đã thay đổi lớn nên việc cải cách thuế TTĐB Việt Nam là cần thiết. Với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, việc nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ % và thuế suất tuyệt đối (tính chung là thuế hỗn hợp) là cần thiết và phù hợp với xu hướng thế giới đang áp dụng và mục tiêu tăng thu cho ngân sách; đồng thời hạn chế tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có ngoại ứng tiêu cực.
Phương pháp hỗn hợp có nhiều ưu điểm
Ông Mark Goodchild - chuyên gia kinh tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tăng thuế với mục tiêu chính là tăng giá các sản phẩm không lành mạnh đủ để giảm mức tiêu thụ. Cụ thể với mặt hàng thuốc lá, hiện lượng tiêu thụ thuốc lá đã ổn định nhưng chưa giảm, gánh nặng sức khỏe và kinh tế của việc sử dụng thuốc lá vẫn còn cao. Điều này cho thấy, việc tăng thuế gần đây chỉ có tác động khiêm tốn và tạm thời.
Theo khuyến nghị của ông Mark Goodchild, áp dụng một hệ thống TTĐB hỗn hợp cần được coi là vấn đề ưu tiên trong sửa đổi Luật Thuế TTĐB và tỷ lệ thuế tuyệt đối cần được áp cao để bảo vệ sức khỏe. Nguyên nhân là vì, thuế TTĐB tuyệt đối và dựa trên nội dung (đơn vị sản phẩm, khối lượng hoặc dung tích) đối với các sản phẩm không lành mạnh tốt hơn so với thuế tính theo tỷ lệ giá xét từ góc độ sức khỏe cộng đồng vì chúng nhắm trực tiếp hơn vào thành phần có hại.
Cùng quan điểm, ông Evan Blecher - chuyên gia kinh tế của Chương trình Thuế Toàn cầu kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư Thực tiễn toàn cầu (Ngân hàng Thế giới) cho biết: Thuế rượu bia tạo ra lợi ích tài chính và sức khỏe, thông qua việc tăng doanh thu thuế và cải thiện sức khỏe người dân.
Thuế theo giá trị tại Việt Nam được áp dụng dựa trên giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, tác hại liên quan đến rượu không tương quan với giá trị (ví dụ, một loại bia rẻ hơn có thể có nồng độ cồn cao hơn nhiều so với một loại bia đắt tiền hơn trong khi lại được đánh thuế ít hơn). Tác hại của rượu bia thường sẽ tương quan với khối lượng, đặc biệt là khối lượng/độ mạnh của rượu, có nghĩa là các loại thuế tuyệt đối sẽ mang tính đại diện tốt hơn vì đánh vào chính tác hại của sản phẩm (chính là nồng độ cồn).
Theo PGS,TS Lý Phương Duyên - Học viện Tài chính, phương pháp tính thuế tương đối và phương pháp tuyệt đối có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nhiều nước đã chọn áp dụng phương pháp hỗn hợp để cân bằng ưu và nhược điểm của 2 phương pháp.
Phương pháp hỗn hợp có tích hợp một cấu phần thuế tuyệt đối theo đơn vị, nên có ưu điểm đơn giản trong quản lý vì dễ xác định số lượng, trọng lượng, dung tích, thể tích của hàng hóa dịch vụ sẽ dễ dàng hơn so với xác định giá. Nhờ vậy, công tác quản lý sẽ dễ dàng hơn. Ưu điểm tiếp theo là nguồn thu ngân sách ổn định và có thể dự đoán, bởi vì nguồn thu mặc dù phụ thuộc vào đơn vị tính thuế nhưng giá trị có thể dễ tính toán hơn và dễ dự đoán hơn.
Cuối cùng, có thể tác động trực tiếp vào giá và cầu hàng hóa trong trường hợp cầu hàng hóa dịch vụ đó có độ co dãn so với giá, do mức thu được xác định là một con số nhất định nên giá bán có thể dễ dàng nhìn thấy tăng lên và cầu hàng hóa vì thế có thể chịu tác động.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp tham dự hội thảo, việc nghiên cứu áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, dựa trên kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) và thuế suất tuyệt đối là cần thiết và phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Các ý kiến cũng cho rằng, việc chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp cần thực hiện theo lộ trình phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thay đổi để thích ứng với chính sách này.
Chuyển đổi từ phương pháp tính thuế tương đối sang tuyệt đối và hỗn hợp
Tại Đông Nam Á hiện chỉ còn 3 quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế tương đối (Việt Nam, Lào, Campuchia). Campuchia hiện đang sửa đổi phương pháp tính thuế, dự kiến sẽ áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối từ năm 2025. Tại Việt Nam ngành đồ uống đang phát triển theo xu hướng quốc tế, với hầu hết các công ty đều có dải sản phẩm đa dạng, từ cao cấp đến đại chúng và được đầu tư mạnh mẽ bởi các liên doanh quốc tế (SABECO: Liên doanh Thái – Việt; Carlsberg: Liên doanh Đan Mạch-Việt Nam) sẽ được hưởng lợi khi Việt Nam áp dụng phương pháp tính thuế đổi mới.