Đài Loan (Trung Quốc) bị ép vào tình trạng 'bình thường mới'
Giới quan sát và phân tích cho rằng, Trung Quốc đang cố gắng thiết lập tình trạng 'bình thường mới' trên eo biển Đài Loan, gia tăng đe dọa tấn công, làm xói mòn quyền tự trị của hòn đảo này, CNN đưa tin.
Bắc Kinh đã tăng cường các cuộc diễn tập quân sự trên vùng biển rộng 180 km ngăn cách Đài Loan (Trung Quốc) với đại lục - và bầu trời phía trên hòn đảo - sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc hồi đầu tháng.
Máy bay vượt đường trung tuyến mỗi ngày
Các nhà phân tích cho rằng, động thái của Trung Quốc có thể đánh dấu sự hiện thực hóa lo ngại của bà Pelosi và các quan chức Mỹ khác rằng Bắc Kinh có thể sử dụng phản ứng quân sự đối với chuyến thăm của bà để thay đổi hiện trạng, với sự hiện diện của máy bay và tàu Trung Quốc gần hòn đảo ngày càng phổ biến và khó bị thách thức.
"Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra một loại hình bình thường mới, với mục tiêu là cố gắng cưỡng chế Đài Loan (Trung Quốc)", ông Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, nhận định hôm 8/8. Và số liệu thống kê từ cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể đang trên đường thực hiện điều đó.
Trong vòng vài phút sau khi bà Pelosi đặt chân tới Đài Loan (Trung Quốc) vào tối 2/8, PLA đã thông báo bốn ngày tập trận tại sáu khu vực bao quanh hòn đảo. Các cuộc diễn tập bao gồm phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển xung quanh Đài Loan (Trung Quốc), nhiều tàu chiến Trung Quốc đi vào eo biển Đài Loan và hàng chục máy bay chiến đấu của PLA vượt qua đường trung tuyến - điểm giữa đại lục và Đài Loan (Trung Quốc).
Kể từ khi các cuộc tập trận chính thức kết thúc, các máy bay chiến đấu của PLA vẫn tiếp tục băng qua đường trung tuyến hằng ngày, thường là chục chiếc trở lên, theo số liệu thống kê từ cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc). Từ ngày 8/8, cuộc tập trận cuối cùng trong bốn ngày diễn tập quân sự, đến ngày 16/8, khoảng 10-21 máy bay PLA bay qua đường trung tuyến mỗi ngày.
Trong tháng Bảy, một tháng trước chuyến đi của bà Pelosi, máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay qua đường trung tuyến chỉ một lần, với số lượng máy bay không xác định, theo cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc).
Các nhà phân tích Trung Quốc và nước ngoài cho rằng, các phi vụ xuyên eo biển của PLA không có khả năng sớm biến mất, mà có thể trở thành một thói quen hằng ngày. Một số người cho rằng, việc máy bay chiến đấu của PLA hằng ngày bay qua đường trung tuyến có thể làm giảm sự cảnh giác của Đài Loan (Trung Quốc) cũng như của những người ủng hộ lực lượng này, bao gồm cả Mỹ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink hôm 18/8 gọi các hành động của PLA kể từ chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) là "khiêu khích, gây bất ổn và chưa từng có". Ông nói rằng, PLA "đã coi thường đường trung tuyến mà cả hai bên đã tôn trọng trong hơn 60 năm như một đặc điểm ổn định”. Số lần máy bay Trung Quốc đại lục vượt qua đường trung tuyến đã đạt con số kỷ lục.
Trong một báo cáo về Đài Loan (Trung Quốc) được cập nhật ngày 12/8, Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ kết luận, Bắc Kinh “tìm cách thiết lập một tình trạng bình thường mới, trong đó PLA không còn tôn trọng các tuyên bố của Đài Loan (Trung Quốc) về một vùng trời và lãnh hải riêng biệt”.
Mở đầu cho một cuộc tấn công?
Bắc Kinh từ lâu tuyên bố sẽ "thống nhất" đảo Đài Loan (Trung Quốc) bằng vũ lực nếu cần thiết. Một nhà phân tích Trung Quốc cho biết, các chuyến bay vượt trung tuyến hằng ngày tạo điều kiện cho PLA chuẩn bị tấn công Đài Loan (Trung Quốc) một cách chớp nhoáng nếu họ muốn.
"Các cuộc tập trận mô phỏng các trận đánh thực tế đã trở thành bình thường mới. Trung Quốc giờ đây có thể quyết định liệu một cuộc tập trận trong tương lai có được chuyển thành chiến đấu thực sự hay không", Chen Feng, một nhà báo tự do trên trang web dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc guancha.cn, viết.
Một báo cáo của Dự án Sức mạnh Trung Quốc cũng đưa ra khẳng định tương tự, lưu ý rằng sự mơ hồ giữa một tập trận và sự khởi đầu của một cuộc tấn công là có chủ đích, như được nêu trong cuốn sách "Khoa học về chiến lược quân sự" do Đại học Quốc phòng Trung Quốc xuất bản.
Cuốn sách giáo khoa (trong đó nêu bật chiến lược của PLA) nêu rõ rằng, các cuộc tập trận có thể nhắm vào đối thủ với mục tiêu "khiến họ không chắc chắn về ý định của chúng ta và khiến họ khó xác định liệu chúng ta đang tiến hành huấn luyện thường xuyên, duy trì quan hệ ngoại giao thân thiết hay nhân cơ hội để di chuyển vào các hoạt động chiến đấu thực tế '', báo cáo của Dự án Sức mạnh Trung Quốc trích dẫn sách "Khoa học về chiến lược quân sự".
Trong khi đó, sự kiềm chế của các nhà lãnh đạo ở Đài Bắc và Washington và phản ứng quân sự đối với các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc có thể khiến PLA thêm bạo dạn, các nhà phân tích nhận định.
Bonny Lin, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc, và Joel Wuthnow, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Mỹ, tuần này viết trên tạp chí trực tuyến War on the Rocks: “Bắc Kinh sẽ không còn kiềm chế trong việc duy trì các hoạt động của riêng mình chủ yếu ở phía tây của trung tâm eo biển Đài Loan và có khả năng sẽ tham gia vào các hoạt động gần Đài Loan (Trung Quốc) hơn”.
Thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ về mặt pháp lý có nghĩa vụ cung cấp cho Đài Loan (Trung Quốc) vũ khí phòng thủ, nhưng vẫn cố tình mơ hồ về việc liệu họ có bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp Trung Quốc đại lục tấn công hay không. Nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng họ nhận ra "điều bình thường mới" mà Bắc Kinh muốn áp đặt và Mỹ phải sớm phản ứng.
Kurt Campbell, điều phối viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 12/8, rằng, các lực lượng Mỹ sẽ sử dụng một trong các chiến thuật thông thường của họ là thực hành tự do hải hành. “Chúng tôi sẽ tiếp tục bay máy bay, đi tàu và hoạt động ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép, phù hợp với cam kết lâu dài của chúng tôi với sự tự do đi lại trên biển, trên không, bao gồm các đợt đi qua eo biển Đài Loan trong vài tuần tới”, ông Campbell nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương hôm 15/8 nói rằng việc Mỹ đi qua eo biển Đài Loan chỉ làm gia tăng căng thẳng. Ông Tần nói với các phóng viên ở Washington: “Tôi kêu gọi các đồng nghiệp Mỹ kiềm chế, không làm bất cứ điều gì khiến căng thẳng leo thang, nếu có bất kỳ động thái nào gây tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đáp trả".
So sánh với vấn đề Biển Đông
Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ có trụ sở tại Nhật Bản, Phó đô đốc Karl Thomas, cho biết hôm 15/8 rằng, Washington không thể để mọi thứ diễn ra như hiện tại. Ông so sánh tình hình hiện tại với những gì đã diễn ra ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của mình, nơi họ đã xây dựng các công sự quân sự trên các đảo nhân tạo bất chấp tòa án quốc tế ra phán quyết rằng họ không được quyền làm như vậy và bất chấp Bắc Kinh cam kết không quân sự hóa chúng.
"Điều đó sẽ khiến thế giới thức tỉnh và nhận ra rằng mọi người có thể nói một đằng, nhưng nếu bạn không cẩn thận, vài năm sau mọi chuyện sẽ rất khác", ông Thomas nói trong cuộc gặp với các phóng viên ở Singapore.
"Nếu chúng tôi cho phép điều đó xảy ra, không thách thức điều đó, nó sẽ trở thành tiêu chuẩn tiếp theo. Và điều đó không thể chấp nhận được”, Tư lệnh Hạm đội 7 nhận định.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc lên tiếng
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns nói rằng, Trung Quốc cần thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng họ không phải là một "tác nhân gây bất ổn" và sẽ hành động một cách hòa bình ở eo biển Đài Loan.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình đầu tiên kể từ khi nhậm chức ở Bắc Kinh sáu tháng trước, Đại sứ Burns nói với CNN hôm 19/8: "Chúng tôi không tin rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Trung vì chuyến thăm - chuyến thăm hòa bình - của Chủ tịch Hạ viện tới Đài Loan (Trung Quốc)... Đó là một cuộc khủng hoảng do Bắc Kinh tạo ra. Đó là một phản ứng thái quá”.
Theo ông Burns, Bắc Kinh có trách nhiệm thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng họ sẽ hành động một cách hòa bình trong tương lai. "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lo ngại trên khắp thế giới rằng Trung Quốc hiện đã trở thành một tác nhân gây bất ổn ở eo biển Đài Loan và điều đó không có lợi cho bất kỳ ai", ông nói.