Đại sứ Nguyễn Phương Nga: 'Tất cả những người Việt đã từng biết Merle Ratner đều không bao giờ có thể quên được chị'

Bàng hoàng trước sự ra đi của nhà hoạt động cánh tả người Mỹ Merle Ratner – một người bạn thủy chung của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, xúc động chia sẻ những kỷ niệm về người bạn Mỹ.

Trong suy nghĩ của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Merle Ratner là một người nhiệt huyết, nhiều ý tưởng với nguồn năng lượng hết sức mạnh mẽ.

Bà Merle Ratner (bên phải) trong một hoạt động ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Bà Merle Ratner (bên phải) trong một hoạt động ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Bà lúc nào cũng nhớ đến nhà hoạt động cánh tả người Mỹ có nụ cười rất tươi, rất thẳng thắn, có điều gì băn khoăn là chia sẻ ngay, đặc biệt có quan điểm rất rõ ràng và tình cảm đối với Việt Nam “trước sau như một”.

Đại sứ kể: “Tôi nhớ có lần anh em Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đến nhà chị ăn cơm. Chị bảo muốn mời nhiều người nhưng nhà quá nhỏ không thể mời nhiều người được.

Căn phòng rất hẹp nhưng nếu có bất kỳ khoảng trống nào thì khoảng trống ấy đều lấp đầy bằng các kỷ vật Việt Nam. Tất cả những gì bạn bè Việt Nam mang tặng, chị đều giữ lại.

Mời chúng tôi đến nhà, chị tự tay nấu các món ăn rất tinh tế. Chị kể rất nhiều câu chuyện về bạn bè Mỹ - những người luôn tận tụy cống hiến để dựng xây tình hữu nghị và vun đắp quan hệ giữa hai nước.

Các thế hệ cán bộ của Phái đoàn ai cũng nhớ đến Merle bởi chị hầu như có mặt trong các sự kiện, trợ giúp nhiều trong các hoạt động đoàn cấp cao sang thăm Mỹ, cũng như phối hợp mời bạn bè Mỹ sang giao lưu, trao đổi tại Việt Nam”.

Nói về tình cảm thủy chung đặc biệt mà bà Merle Ratner dành cho Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định, nhà hoạt động cánh tả Mỹ dành cả cuộc đời và sự nghiệp của mình để đấu tranh cho độc lập tự do hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Khi còn trẻ, bà một trong những người đi đầu trong phong trào phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam, làm dấy lên phong trào phản chiến tại Mỹ.

Sau này, khi Việt Nam giành được độc lập, thống nhất đất nước, bà tiếp tục vận động để bình thường hóa quan hệ hai nước, luôn ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc tái thiết đất nước, nhất là trong việc đòi công lý, vận động chính quyền Mỹ có những hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhớ cách đây không lâu (khoảng 1,2 tuần trước khi mất), Merle Ratner còn nói chuyện với bà để bàn về những kế hoạch đưa bạn bè Mỹ sang thăm Việt Nam.

Đại sứ chia sẻ: “Có thể thấy bất kể lúc nào chị cũng đau đáu cho Việt Nam được phát triển theo định hướng chủ nghĩa xã hội và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì trên tất cả Merle là một chiến sĩ đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, công lý và hạnh phúc con người, đặc biệt luôn quan tâm đến cuộc sống của người lao động.

Chị nói rằng, mong ước lớn nhất của chị bây giờ là làm sao để thế hệ trẻ Mỹ, những người gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ có tình yêu với quê hương Việt Nam, mong được cung cấp nhiều hơn thông tin về Việt Nam cho bạn bè Mỹ.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng cho biết, Merle Ratner là người làm việc không ngừng nghỉ, gần đây bà còn đi học để phục vụ cho công việc phong trào cánh tả và quan hệ hữu nghị hai nước. Do công việc bận rộn mà mấy năm này bà chưa có cơ hội trở lại Việt Nam.

Đại sứ xúc động:Tôi nghĩ tất cả những người Việt Nam đã từng biết Mel đều không bao giờ có thể quên được chị.

Chị còn rất nhiều dự định, nhiều công việc dở dang đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đáng tiếc là chị không thể tiếp tục thực hiện được kế hoạch của mình.

Sự ra đi của chị là mất mát rất lớn đối với Việt Nam, với phong trào cánh tả ở Mỹ và những người đấu tranh vì hòa bình trên toàn thế giới”.

Bà Merle Evelyn Ratner, sinh năm 1956 tại thành phố New York, Mỹ từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam khi mới 13 tuổi và nổi tiếng với hành động treo khẩu hiệu phản chiến lên tượng Nữ thần Tự do.

Bà là người đồng sáng lập và điều phối viên trong Tổ chức Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - VAORRC" của khu vực New York.

Bà Merle Ratner tham gia rất tích cực trong hoạt động biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam từ cuối những năm 1960, ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; tham gia phong trào chống chủ nghĩa đế quốc những năm 1970, 1980 và chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ hiện nay.

Sau năm 1975, với tình yêu sâu sắc dành cho Việt Nam, bà Merle Ratner đã có nhiều nỗ lực vận động quốc gia nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ, cũng như hỗ trợ cho nhiều hoạt động quốc tế của Việt Nam.

Bà từng nhiều lần tới thăm các tỉnh, thành của Việt Nam, làm việc với các tổ chức đối ngoại nhân dân, phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Merle Ratner đã được trao tặng giải thưởng "Vì các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" năm 2013; Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" năm 2010.

An Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-phuong-nga-tat-ca-nhung-nguoi-viet-da-tung-biet-merle-ratner-deu-khong-bao-gio-co-the-quen-duoc-chi-260526.html