Đại tướng Tô Lâm: 'Sắp xếp tổ chức bộ máy là điểm sáng nhiệm kỳ'

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, lực lượng công an đã đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngay những ngày đầu năm mới, toàn lực lượng công an quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII (2020-2025).

Chia sẻ với Zing nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, đã điểm lại các kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua và những mục tiêu quan trọng của lực lượng trong thời gian tới.

- Nhiệm kỳ qua, việc thực hiện đề án tổ chức, sắp xếp lại bộ máy là bước đi đột phá của Bộ Công an. Lực lượng của Bộ đã được tăng cường cho cơ sở và hàng loạt giám đốc công an tỉnh được luân chuyển, bổ nhiệm không phải người địa phương. Chủ trương này đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Công an Trung ương đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân gương mẫu, khẩn trương, quyết liệt, đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai nhiều giải pháp mang tính “đột phá”, “cách mạng” trong xây dựng lực lượng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ.

Đây được coi là “điểm sáng” của Bộ Công an trong cả nhiệm kỳ.

Đến nay, Bộ đã triển khai toàn diện, đẩy nhanh tiến độ bố trí cán bộ theo khung tiêu chuẩn, tiêu chí 4 cấp công an, kết hợp với bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ từng đơn vị, công an địa phương theo hướng giảm biên chế tại đơn vị cơ quan bộ, tăng cường cho công an địa phương, đơn vị trực tiếp chiến đấu tại cơ sở và thực hiện nghiêm túc quy định giám đốc công an tỉnh, trưởng công an cấp huyện không phải là người địa phương.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng hoàn thành việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 100% số xã trên toàn quốc, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

 Việc sắp xếp lại bộ máy được coi là “điểm sáng” của Bộ Công an trong nhiệm kỳ vừa qua. Ảnh: Minh Hoàng.

Việc sắp xếp lại bộ máy được coi là “điểm sáng” của Bộ Công an trong nhiệm kỳ vừa qua. Ảnh: Minh Hoàng.

- Quyết tâm chính trị của Bộ Công an trong những năm qua thể hiện rõ qua 2 khía cạnh: Chống tham nhũng không có vùng cấm và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm dù ở bất kỳ chức vụ nào. Trong nhiệm kỳ tới, những nhiệm vụ này sẽ được đẩy mạnh ra sao?

- Trong giai đoạn tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tuân thủ pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo với phương châm: “Làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra làm rõ đến đâu, kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”.

Công tác xử lý người vi phạm phải nghiêm minh, triệt để “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Với những kết quả đạt được cũng như tinh thần, ý chí phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, tôi luôn tin rằng dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ còn “mạnh” hơn, “quyết liệt” hơn, “hiệu quả” hơn, tạo thành phong trào mạnh mẽ, xu thế không thể đảo ngược trong thời gian tới.

- Năm 2020 đã xảy ra một số vụ việc mất an ninh, trật tự với tính chất manh động ngày càng cao. Đặc biệt là vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Bộ Công an có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý những sự vụ tương tự?

- Thời gian qua, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng, nhất là chống người thi hành công vụ có tính chất tập thể, manh động gây mất an ninh, trật tự như sự việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội vào đầu năm 2020. Đây là vụ việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm bởi tính chất, mức độ của hành vi phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.

Thực tế vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39 của Thủ tướng về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.

Đồng thời, Bộ sẽ làm tốt công tác nắm tình hình, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền rà soát, giải quyết căn cơ, dứt điểm từ sớm, từ cơ sở những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống phá.

- Thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có sự đóng góp rất lớn của lực lượng công an. Trong kế hoạch đảm bảo an ninh của sự kiện chính trị quan trọng này, Bộ đã huy động lực lượng ở cấp độ ra sao? So với những sự kiện lớn trước đây như APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, kế hoạch bảo vệ lần này có gì khác khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại?

- Đại hội lần thứ XIII của Đảng là một trong những sự kiện quan trọng nhất của đất nước. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ đại hội, Bộ Công an đã có những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, với hàng trăm kế hoạch, phương án, bố trí lực lượng, tổ chức các biện pháp công tác chặt chẽ, nhiều vòng, nhiều lớp.

Ngay từ tháng 6/2019, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xác định bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội là nhiệm vụ trọng tâm của toàn lực lượng công an đến hết quý I/2021.

Bộ đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch, thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự. Ba lãnh đạo Bộ Công an được phân công tham gia tiểu ban để thống nhất chỉ huy, chỉ đạo; phân công trách nhiệm cụ thể của công an từng đơn vị, địa phương và ban hành một phương án tổng thể, 9 phương án cụ thể về xử lý các tình huống khủng bố, tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng.

Có thể khẳng định công tác bảo đảm an ninh, an toàn triển khai toàn diện không chỉ tại Hà Nội mà đồng bộ trên phạm vi cả nước, trên tất cả các mặt công tác, chặt chẽ ngay từ khâu phòng ngừa. So với trạng thái bình thường như bảo vệ các sự kiện trước đây, công tác bảo vệ đại hội đặt ở trạng thái “sẵn sàng mới”.

Ở trạng thái này, toàn lực lượng sẽ tổ chức trực, ứng trực ở cấp độ cao nhất, tất cả công an các đơn vị, địa phương trọng điểm tổ chức trực 100% quân số; các hoạt động tuần tra vũ trang, rà quét phát hiện ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật được thực hiện với tần suất dày hơn, liên tục, nhất là những địa bàn tiềm ẩn phức tạp, kể cả trên không gian mạng.

Ngay trước và trong thời điểm diễn ra đại hội, lực lượng công an bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tạo thành nhiều vòng, nhiều lớp với thế trận chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt nơi tổ chức đại hội và địa điểm lưu trú của đại biểu; triển khai các phương án kiểm soát an ninh, điều tiết phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn phòng cháy... loại trừ mọi nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến sơ suất trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Kết quả đã bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn đại hội, không để xảy ra một sơ suất nào, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

- Trong bối cảnh đất nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, các tổ chức khủng bố tăng cường hoạt động trên không gian mạng để lôi kéo người dân, tung tin kích động, Bộ Công an đã có những giải pháp gì để chặn đứng loại tội phạm này?

- Để tiếp tục đấu tranh với các hoạt động này, Bộ Công an sẽ tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất là nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân về hoạt động sử dụng không gian mạng để đưa các thông tin xấu, độc, bịa đặt chống phá Đảng, Nhà nước, đồng thời huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc đấu tranh này.

Trong đó, cơ quan chức năng cần tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác đấu tranh xử lý các đối tượng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, các thông tin xấu, độc, bịa đặt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Thứ hai, công an các cấp chủ động tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực viễn thông, Internet.

Thứ ba, lực lượng chức năng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ trong đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền, tung tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước. Chủ động nắm chắc tình hình, giám sát thường xuyên, chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội để kịp thời phân tích, đánh giá và nhận định các thông tin liên quan; kết hợp nhuần nhuyễn nắm tình hình công khai trên mạng xã hội với các biện pháp thu tin chuyên biệt để có giải pháp xử lý kịp thời; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra cơ bản.

Ngoài ra, cơ quan chức chức năng sẽ triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, phương án đấu tranh vô hiệu hóa âm mưu tuyên truyền chống phá; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những kẻ vi phạm, để răn đe, giáo dục, phòng ngừa sai phạm.

Thứ tư, Bộ Công an chủ động phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông để triển khai có hiệu quả các nghị định, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm mạng xuyên biên giới; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nhất là Facebook, Google phải chấp hành pháp luật Việt Nam.

Và cuối cùng, Bộ Công an sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại cho lực lượng an ninh mạng.

- Người dân rất hào hứng với việc cấp căn cước công dân gắn chip. Tuy nhiên, việc cấp đổi chưa thể ấn định ngày trả kết quả do phụ thuộc vào đối tác sản xuất phôi. Bộ Công an sẽ làm gì để đẩy nhanh tiến độ, thưa Bộ trưởng?

- Trong năm qua, Bộ Công an quyết liệt chỉ đạo việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; triển khai việc cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở một số địa phương vẫn còn những sai sót như thiếu thông tin về cá nhân, hoặc thông tin cá nhân chưa chính xác, cần phải tiếp tục rà soát, thu thập lại.

Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã triển khai việc việc cấp căn cước công dân gắn chip và hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của người dân bằng công nghệ mới mà không phụ thuộc vào yếu tố nào.

- Năm qua, Bộ Công an vừa phải căng mình trên mặt trận đảm bảo an ninh trật tự và có thêm một nhiệm vụ mới chưa từng có tiền lệ là chống dịch Covid-19. Vậy toàn lực lượng đã vào cuộc ra sao để chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh?

- Trong phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng công an nhân dân đã tích cực tham gia tuyến đầu bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác này được thực hiện quyết liệt nhưng cũng bảo đảm mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng công an tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân cư, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để lập danh sách người nước ngoài, công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước; các trường hợp nghi nhiễm để phối hợp với ngành y tế cách ly kịp thời.

Thứ hai, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ việc xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường không, đường biển và tuyên truyền, vận động, giải thích người dân không tập trung đông người để phòng, chống dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Thứ ba, công an các cấp bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các khu vực tổ chức cách ly tập trung; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm người tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, các vụ buôn lậu, đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá hoặc bán giá cao hơn để trục lợi đối với các mặt hàng là vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong toàn lực lượng, chủ động lập các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch trong lực lượng và dự phòng phục vụ nhân dân.

Trong năm vừa qua, lực lượng chức năng trong đó có công an đã phối hợp làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường công tác quản lý người nước ngoài và các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Công an đã kêu gọi cán bộ, chiến sĩ tình nguyện hiến 40.000 đơn vị máu, góp phần vào việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phòng, chống dịch Covid-19.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Quang - Bá Chiêm thực hiện

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-tuong-to-lam-sap-xep-to-chuc-bo-may-la-diem-sang-nhiem-ky-post1182972.html