Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự hình thành và phát triển đường lối chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã ghi dấu mốc quan trọng mở đầu cho thời đại Hồ Chí Minh. Cũng từ đây, đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam được phát triển và nâng lên một tầm cao mới; trong đó, có dấu ấn đậm nét của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một danh tướng của thế giới.
Thực tiễn cho thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những kiến trúc sư của đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân toàn diện, dựa vào sức mình là chính - một nền chiến tranh nhân dân được xây dựng trên nền tảng “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”. Ngày 22-12-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập, chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam). Sau này, trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao, đóng góp cho sự hình thành và phát triển của đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam. Quan điểm của Đại tướng về cuộc chiến tranh mà nhân dân ta tiến hành là cuộc chiến tranh nhân dân, dựa trên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng chí Võ Nguyên Giáp tham gia tổ chức, giáo dục, ươm mầm lực lượng quân sự của Đảng ngay trong điều kiện hết sức ngặt nghèo bởi sự đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp và tay sai. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp công lớn trong chỉ đạo xây dựng phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
Thực tế cho thấy, cho tới khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã xây dựng được những đại đoàn chủ lực mạnh. Bên cạnh đó là các đơn vị chủ lực ở các địa phương và một lực lượng dân quân, du kích và tự vệ hùng hậu. Đại tướng tham gia chỉ đạo và là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy nhiều chiến dịch quan trọng, góp phần triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp. Đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chính là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong chiến dịch này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với trọng trách được giao phó đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, đó là chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” góp phần quan trọng vào thắng lợi quyết định ngày 7-5-1954.
Tư duy chiến lược về chiến tranh nhân dân của Đại tướng càng được phát huy và có sự phát triển phù hợp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục có nhiều đóng góp đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam tới đỉnh cao mới. Đó là nghệ thuật xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực để hình thành nên các quả đấm thép chủ lực với đầy đủ các quân, binh chủng. Việc xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng cũng được đẩy mạnh, trên cả vùng giải phóng, vùng lõm và vùng địch tạm chiếm. Đánh địch bằng quân sự và chính trị; ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị và binh địch vận; trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Đường lối chiến tranh nhân dân còn được thể hiện ở sự phát huy cao độ việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam nhận được sự ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế, tạo ra những chấn động dữ dội ngay trong lòng nước Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thêm một lần nữa cho thấy tầm ảnh hưởng, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư duy về chiến tranh nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại thể hiện sự phát triển mới. Đó là việc tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân vững mạnh; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững độc lập, chủ quyền, coi trọng việc xây dựng sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân.
Trong suốt quá trình tham gia lãnh đạo đấu tranh cách mạng, với nhãn quan thiên tài về quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam; kế thừa, phát triển tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của thế giới, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên những chiến thắng vẻ vang, làm rạng danh dân tộc Việt Nam anh hùng.
Có thể nói, những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên, đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Những chiến tích ấy đã nâng Đại tướng lên tầm một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới.