Đắk Lắk chuẩn bị khởi công Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần 3 đi qua các huyện Ea Kar, Krông Pắc và Cư Kuin của tỉnh Đắk lắk, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m.

Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã được cắm mốc giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã được cắm mốc giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài toàn tuyến 116,5 km được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 3 với chiều dài hơn 48 km.

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thiện nhằm phục vụ khởi công, thi công Dự án theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần 3 đi qua các huyện Ea Kar, Krông Pắc và Cư Kuin của tỉnh Đắk lắk, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, tổng mức đầu tư trên 6.165 tỷ đồng; trong đó, huyện Krông Pắc có chiều dài tuyến hơn 33,3 km với diện tích giải phóng mặt bằng dọc theo tuyến chính khoảng 255,52 ha, ảnh hưởng đến hơn 2.000 hộ dân. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng đang được khẩn trương triển khai và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Bà Đàm Thị Đạo, thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc cho biết, gia đình có nhà ở và đất canh tác cây công nghiệp lâu năm nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Từ thời điểm nhận được thông báo về dự án, gia đình cùng các hộ dân trong thôn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tổ chức đo đạt diện tích giải phóng mặt bằng, kiểm đếm tài sản và thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng. Bà con cũng rất vui mừng khi quê hương sắp được đầu tư dự án cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội, do đó đều đồng thuận và sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Còn bà Mai Thị Nga, thôn Hòa Nam, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc cho biết, khu dân cư của thôn là điểm đầu trong Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tại tỉnh Đắk Lắk. Chủ trương của Đảng và Nhà nước đầu tư dự án cao tốc nhân dân khu vực rất phấn khởi và sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề mà người dân còn băn khoăn như giá hỗ trợ cây trồng còn thấp; đời sống của người dân sau khi bàn giao mặt bằng sẽ khó khăn khi thiếu đất canh tác… do đó kiến nghị với chính quyền các cấp cần có các chính sách quan tâm, hỗ trợ thêm cho người dân trong khu vực giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Theo ông Phạm Văn Hạ, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, hiện địa phương đã công khai phương án đền bù giải phóng mặt bằng và đang khẩn trương kiểm tra, điều chỉnh một số thiếu sót theo phản hồi của người dân. Trong thời gian tới sẽ gấp rút hoàn thiện hồ sơ để hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng theo đúng kế hoạch đề ra nhằm phục vụ khởi công và thi công dự án.

Cũng theo ông Phạm Văn Hạ, hiện nay người dân địa phương vẫn còn những kiến nghị như giá tiền hỗ trợ cây trồng trên đất còn thấp trong khi đầu tư đầu vào vườn cây thời gian qua rất nhiều; hiện người dân vẫn chưa nhận được thông báo về thời điểm nhận tiền hỗ trợ trong khi đó thời gian bàn giao mặt bằng đã sắp đến nên chưa chuẩn bị được phương án để ổn định đời sống sau khi bàn giao mặt bằng. Với những kiến nghị của nhân dân vượt thẩm quyền xử lý của xã, địa phương sẽ sớm có báo cáo các cấp để sớm giải quyết nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc cho biết, xác định việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp chính quyền phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt để giải quyết khối lượng công việc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, tuyệt đối không để giải phóng mặt bằng trở thành “nút thắt” ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đến nay, các nhiệm vụ của địa phương đã cơ bản hoàn thành và hiện các xã có tuyến đường cao tốc đi qua đang công khai phương án đền bù giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục bàn giao mặt bằng.

Theo ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án), giải phóng mặt bằng là một trong những “nút thắt” ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, do đó dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương các huyện có tuyến cao tốc đi qua quyết tâm thực hiện giải phóng mặt bằng và dự kiến đến ngày 30/6 sẽ hoàn thành 70% diện tích mặt bằng để thi công dự án. Hiện chính quyền các địa phương đang gấp rút triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng, công khai và phê duyệt các phương án giải phóng mặt bằng, về phía Ban quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh các thủ tục, giải ngân tiền hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng để người dân sớm ổn định đời sống sau khi bàn giao mặt bằng.

Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk có chiều dài tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hơn 33,3 km với diện tích giải phóng mặt bằng dọc theo tuyến chính khoảng 255,52 ha. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk có chiều dài tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hơn 33,3 km với diện tích giải phóng mặt bằng dọc theo tuyến chính khoảng 255,52 ha. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là dự kiến khởi công dự án trong tháng 6/2023, do đó thời gian còn lại để chuẩn bị khởi công dự án không còn nhiều nên đề nghị các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương phải quyết liệt triển khai các nhiệm vụ liên quan đến dự án, hoàn thành sớm nhất có thể, đặc biệt là hoàn thành các điều kiện để khởi công dự án theo kế hoạch đã đề ra. Bên cạch đó, những khó khăn, vướng mắt trong quá trình triển khai dự án phải sớm được giải quyết và kiến nghị cấp có thầm quyền tháo gỡ nhanh nhằm đảm bảo tiến độ triển khai khối lượng công việc của dự án.

Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban quản lý dự án đang gấp rút triển khai các bước thủ tục hoàn thiện để đảm bảo các điều kiện khởi công dự án trong tháng 6/2023 theo đúng kế hoạch; trong đó, các hồ sơ cần phê duyệt đã hoàn thiện và chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến đã được thực hiện 20/48 km và dự kiến đến thời điểm khởi công đảm bảo được 70% tuyến hoàn thành rà phá bom mìn, vật liệu nổ. Ban đang xây dựng kế hoạch khởi công, dự kiến từ 25-30/6 để đảm bảo tiến độ dự án đã đề ra. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn về mỏ vật liệu để phục vụ dự án và đã được UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, Đối với Dự án thành phần 3, tổng nhu cầu mỏ vật liệu (đá, cát, đất) phục vụ dự án là 39 mỏ. Kết quả khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án có 29 điểm mỏ vật liệu mới (chưa cấp phép khai thác), không thuộc hạng mục của Dự án (có vị trí nằm độc lập, ngoài phạm vi mặt bằng hướng tuyến được phê duyệt).

UBND tỉnh Đắk Lắk đã cập nhật các điểm mỏ theo kết quả khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án vào phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) đã được Bộ kế hoạch và Đầu tư thẩm định lần 1 (tháng 4/2023). Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương hoàn thiện trình phê duyệt.

Do đó, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Đắk Lắk căn cứ vào Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, Hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh để cho phép nhà thầu thi công Dự án lập Hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp thiết bị và triển khai kế hoạch khai thác đảm bảo nhu cầu, tiến độ Dự án trong trường hợp tại thời điểm khởi công dự án, Quy hoạch chưa được phê duyệt. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép các địa phương thực hiện việc thu hồi đất, lập phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo trình tự quy định của pháp luật đất đai đối với các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án trọng điểm quốc gia.

Ngoài ra, đề góp phần đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ dự án, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các sở, ngành liên quan giám sát việc khai thác mỏ vật liệu hiện hữu để đề nghị bổ sung diện tích, trữ lượng, công suất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ khai thác, không xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã niêm yết./.

Tuấn Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dak-lak-chuan-bi-khoi-cong-du-an-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot/293705.html