Đắk Lắk phát triển du lịch dựa trên thế mạnh văn hóa
Tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk chiều 1.4, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết, để bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
“Cụ thể, tỉnh ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp tại các địa bàn trọng điểm như huyện Lắk, huyện Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, nhất là hình thức nhà ở có phòng cho thuê tại một số thôn, buôn được quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng”, ông Hà thông tin.
Đặc biệt, với du lịch cộng đồng, tỉnh tập trung phát huy thế mạnh di sản văn hóa của 49 dân tộc trên địa bàn, trong đó đầu tư hoàn chỉnh các dự án, dịch vụ nghỉ dưỡng; đồng thời, phát triển làng nghề, nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, nông trại trên địa bàn; tiếp tục phát huy thế mạnh của ẩm thực và quà tặng của cộng đồng các dân tộc đã được xác lập tại Top 100 kỷ lục Việt Nam, phát triển các sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
“Với những tiềm năng và lợi thế trên, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng. Tỉnh đã đồng hành với các doanh nghiệp du lịch tiến hành khảo sát, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… và đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế”, ông Thái Hồng Hà cho biết thêm.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đề nghị, địa phương, doanh nghiệp Đắk Lắk cần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của du lịch Đắk Lắk.
Bên cạnh các giải pháp kích cầu thông qua ưu đãi, khuyến mại, du lịch Đắk Lắk cần duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp chất lượng, bổ sung nhân lực; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới trên cơ sở phát huy tính độc đáo, đặc trưng sản phẩm du lịch Tây Nguyên; phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch giữa Đắk Lắk với các địa phương; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá vào các thị trường mục tiêu, thị trường nguồn.
Ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, Tổng cục Du lịch cam kết sẵn sàng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc để du lịch.