Đắk Nông: Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án thủy điện, điện gió

Nhiều dự án điện gió, thủy điện của Đắk Nông đang nằm trong vùng quy hoạch bô xít, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư liên quan.

Chiều ngày 10/10, trong khuôn khổ chương trình công tác tại tỉnh Đắk Nông, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trương Thanh Hoài dẫn đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông.

Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Đắk Nông có ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh…

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Út - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Đoàn công tác những thuận lợi, khó khăn về thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Ông Nguyễn Bá Út - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông báo cáo trước Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng đoàn công tác

Ông Nguyễn Bá Út - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông báo cáo trước Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng đoàn công tác

Trong đó, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông báo cáo tình hình đầu tư phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh hiện có 15 nhà máy thủy điện đang vận hành, với tổng công suất 356,61 MW; 01 dự án đang thi công, công suất 5 MW. Ngoài ra, có 9 dự án thủy điện đang vận hành nằm giáp ranh giữa các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Bình Phước với tổng công suất 1.299 MW. Có 1.631 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 377,412 MWp; 02 nhà máy điện mặt trời nối lưới, tổng công suất 106,4 MWp đang vận hành; có 06 dự án điện gió, tổng công suất 430 MW được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Nông, thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Nông có 04 dự án điện mặt trời, gồm: KN Buôn Tua Sarh (312 MW), Xuyên Hà (104 MW), EaTling (76 MW), Cư K’Nia (144 MW); các dự án này xem xét sau năm 2030, được triển khai trong thời kỳ quy hoạch nếu đầu tư theo hình thức tự sản, tự tiêu. Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024, tỉnh Đắk Nông có 01 dự án Đắk Sor 4, công suất 8,8 MW; hiện nay chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục để đầu tư dự án.

Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Đoàn công tác một số khó khăn, vướng mắc về quy hoạch khoáng sản khi triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Đoàn công tác một số khó khăn, vướng mắc về quy hoạch khoáng sản khi triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Nói về vấn đề này, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã báo cáo, đề nghị Bộ Công Thương đưa một số dự án nguồn điện vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, gồm: Các dự án thủy điện Đắk Búk Sor 1, Đắk R’Keh, Đắk Glun 2, Đắk Glun 3; các dự án điện gió Nam Bình 1, Đắk N’Đrung 1,2,3, Asia Đắk Song 1 và đề xuất 3 dự án điện gió mới, gồm: Tuy Đức (50 MW), Tuy Đức 5 (190 MW), Tuy Đức 10 (60 MW).

Cũng theo ông Mười, trong quá trình triển khai các dự án còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Cùng với đó, một số dự án chưa được phê duyệt thuộc Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, do vậy không đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai các thủ tục liên quan đến dự án.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại buổi làm việc.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng đất của 6 dự án điện gió là khoảng 84 ha (trong đó 05 dự án đang triển khai đầu tư khoảng 78,9 ha). Ngoài các hạng mục trạm biến áp, đường dây thì vị trí các trụ phân tán (khoảng cách các trụ điện gió từ 500 -1.000 m), diện tích đất chiếm mỗi trụ là không đáng kể (khoảng 1.000 m2 - 3.000 m2) không ảnh hưởng nhiều đến trữ lượng quặng bô xít. Mặt khác, việc thực hiện thu hồi khoáng sản theo Luật Khoáng sản phát sinh chi phí lớn, khoảng cách vận chuyển đến nơi tiêu thụ khá xa, hiệu quả kinh tế không cao,… Do đó chưa thể hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng và tồn tại này vượt thẩm quyền xử lý, khắc phục của địa phương.

Ngoài các dự án điện gió, thủy điện nằm trong vùng quy hoạch bô xít, còn có các dự án lưới điện khác đã được quy hoạch nhưng nằm trong quy hoạch bô xít, sẽ khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư liên quan như: Dự án được dây 500kV Krông Búk - Tây Ninh 1 (đoạn qua tỉnh Đắk Nông), các dự án lưới điện 110 kV (dự án TBA 110 kV Tuy Đức và đường dây đấu nối, Dự án TBA 110 kV Gia Nghĩa và đường dây đấu nối,…).

Trước những khó khăn và vướng mắc trên, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo, định hướng cho việc phát triển điện lực phù hợp về nguồn và lưới điện của khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng trong thời gian đến. Trong đó có việc phát triển thêm các nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ tiêu thụ tại chỗ, đồng bộ và thống nhất về định hướng phương án cấp điện cho các tổ hợp dự án này.

“Tôi đề nghị Bộ Công Thương quan tâm xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ có cơ chế ưu tiên quy hoạch các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ tiêu thụ tại chỗ để đảm bảo cung cấp điện phục vụ các tổ hợp dự án khai thác bô xít - sản xuất alumin - luyện nhôm theo tinh thần Kết luận 31-KL/TW ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị” – ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị.

Sau khi nghe các đại biểu trình bày các nội dung tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã thay mặt đoàn công tác ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, địa phương để đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời, chia sẻ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm tại tỉnh Đắk Nông.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đề nghị cần xem xét và làm rõ quá trình xây dựng các Dự án tại Đắk Nông hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc ở đâu, khâu nào thì gỡ vướng ngay ở đó. Nếu thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, đề nghị lãnh đạo tỉnh Đắk Nông quan tâm, quyết liệt và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, triển khai dự án. Còn nếu những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, của Thủ tướng Chính phủ thì lãnh đạo Bộ sẽ sớm quan tâm, xem xét để tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa dự án, nhà máy đi vào hoạt động kịp tiến độ đề ra.

Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dak-nong-kho-khan-vuong-mac-trong-qua-trinh-trien-khai-cac-du-an-thuy-dien-dien-gio-351571.html