Đắk Nông triển khai khám, chữa bệnh từ xa trong toàn hệ thống Y tế

Để giải quyết những khó khăn, thách thức tại chỗ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến, giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, ngành Y tế Đắk Nông đã xây dựng đề án và triển khai thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, góp phần triển khai thành công số hóa ngành Y tế theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và nhu cầu công tác khám, chữa bệnh thực tế của địa phương.

Ngành Y tế Đắk Nông tổ chức lắp đặt, chuyển giao thiết bị kỹ thuật trong khám, chữa bệnh từ xa cho y tế tuyến cơ sở trong tỉnh.

Ngành Y tế Đắk Nông tổ chức lắp đặt, chuyển giao thiết bị kỹ thuật trong khám, chữa bệnh từ xa cho y tế tuyến cơ sở trong tỉnh.

Theo đánh giá, thời gian qua, ngành Y tế Đắk Nông nói chung, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật từ cơ bản đến chất lượng cao. Khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân được cải thiện, góp phần cứu chữa được nhiều người mắc bệnh nặng, hạn chế các ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên khám và điều trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hệ thống khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất cập. Cụ thể, nguồn lực đầu tư cho y tế tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Việc phân bố nhân lực y tế không đồng đều giữa các tuyến, tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến trên địa bàn, nhất là các nhân lực có trình độ chuyên môn là bác sĩ đa khoa và chuyên khoa. Nhiều kỹ thuật y học cao đã triển khai nhưng chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh và một số ít Trung tâm Y tế tuyến huyện. Cơ hội học tập, phát triển chuyên môn còn hạn chế, bị ràng buộc bởi các quy định hiện hành như: Quy định về thời gian công tác, ưu tiên theo thứ tự, kinh phí đào tạo. Trong khi đó, nhiều quy định ràng buộc về các tiêu chuẩn ngoài chuyên môn đã dẫn đến khó khăn về nhân lực chất lượng cao.

Ở tuyến xã, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chất lượng dịch vụ y tế thấp hơn hẳn so với vùng kinh tế tuyến tỉnh và một số khu vực tuyến huyện có điều kiện kinh tế phát triển, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân hạn chế, dẫn đến sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe, người dân không tin tưởng chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã. Việc vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến trong khi có thể được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, gây quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên, trong đó chuyển đổi số với một nội dung cụ thể rất quan trọng là “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế”.

Qua thực tế cho thấy tại Đắk Nông, kết quả của việc triển khai mô hình Bệnh viện vệ tinh theo Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 đạt các yêu cầu theo tình hình thực tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông trên cơ sở là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân Dân 115 đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ y học, năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao. Triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh là gắn “y hiệu, thương hiệu” của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh viện tuyến dưới phát huy năng lực sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư. Vì vậy, việc tăng cường hoạt động nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh; tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh thông qua hệ thống công nghệ thông tin là rất hữu ích.

Hệ thống khám, chữa bệnh của tỉnh Đắk Nông hiện tại gồm: 1 bệnh viện đa khoa hạng II tuyến tỉnh, 7 Trung tâm Y tế huyện (1 Trung tâm Y tế hạng II và 6 Trung tâm Y tế hạng III) và 71 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Trung bình các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh thực hiện được từ 60-80% kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến của Bộ Y tế, trong đó Bệnh viện đa khoa tỉnh đã triển khai được một số kỹ thuật chuyên môn cao. Hiện tại 100% các bệnh viện đều có cán bộ chuyên ngành về công nghệ thông tin; các cán bộ trong bệnh viện đa số đều có chứng chỉ cơ bản về tin học văn phòng; 100% các bệnh viện đang sử dụng các phần mềm quản lý bệnh viện để khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế…

Từ kết quả đạt được của mô hình Bệnh viện vệ tinh và thực tiễn khó khăn nêu trên, ngành Y tế Đắk Nông đã xây dựng đề án và triển khai thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đó, đề án nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, tạo sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiếu số tại địa phương; tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, tạo điều kiện chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết và điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn người bệnh, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân; góp phần làm giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Cũng thông qua đề án, đây là cơ sở để trang bị cho các cơ sở khám chữa bệnh đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dụng, phần mềm công nghệ thông tin phù hợp với loại hình dịch vụ cung cấp và bảo đảm việc truyền tải, hiển thị, xử lý, lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật. Đồng thời, bảo đảm năng lực về chuyên môn. Cụ thể: có 1 bệnh viện tuyến tỉnh có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để kết nối với các bệnh viện Trung ương và hỗ trợ cho bệnh viện (Trung tâm y tế) tuyến huyện thực hiện khám, chữa bệnh từ xa; có 7 bệnh viện (Trung tâm y tế) tuyến huyện thực hiện việc khám, chữa bệnh từ xa kết nối với bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương; có 1 bệnh viện tuyến tỉnh và 07 Trung tâm y tế (hoặc bệnh viện) tuyến huyện bảo đảm năng lực triển khai thực hiện tư vấn phẫu thuật từ xa; các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa.

Đến nay, các đơn vị có hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã triển khai hoạt động tư vấn, chẩn đoán, hỗ trợ điều trị đối với các bệnh nhân COVID-19 trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Đối với tuyến xã, hiện nay mới bước đầu triển khai các hoạt động khám chữa bệnh từ xa, chủ yếu liên quan đến công tác hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh.

Bên cạnh thuận lợi thì công tác khám chữa bệnh từ xa hiện vẫn còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng triển khai tại các đơn vị còn thiếu, chưa đồng bộ, đang phải chờ cấp kinh phí để triển khai đồng bộ cho các đơn vị. Đặc biệt đối với tuyến xã, hoạt động khám chữa bệnh từ xa yêu cầu sự hiểu biết nhất định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, trong khi đó lực lượng y tế tuyến xã hiện đang gặp khó về sử dụng công nghệ thông tin, cần chú trọng hơn trong công tác đào tạo, hướng dẫn sử dụng và có sự hỗ trợ của y tế tuyến trên nhằm từng bước áp dụng hoạt động khám chữa bệnh từ xa phục vụ công tác chuyên môn…

Thời gian tới, trên cơ sở các đề án khám, chữa bệnh từ xa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngành Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên địa bàn từ tuyến xã (trạm Y tế), tuyến huyện (Trung tâm Y tế huyện), tuyến tỉnh (Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở, phát huy hiệu quả các nguồn lực đã được đầu tư, giúp người dân được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thường xuyên, liên tục tại tuyến y tế cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ theo Kế hoạch số 571/KH-UBND ngày 3/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về nâng cao năng lực y tế cơ sở trong tình hình mới gắn liền với phát triển công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 và Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 10/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị đồng bộ để triển khai tại các cơ sở y tế trên địa bàn, nhất là các đơn vị xa trung tâm, điều kiện đường giao thông đi lại khó khăn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng kế hoạch khám chữa bệnh từ xa đồng bộ, xuyên suốt, có sự phối hợp tham gia của các y tế tuyến cơ sở - tuyến huyện - tuyến tỉnh - tuyến Trung ương. Đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, dịch vụ kỹ thuật cho các cơ sở y tế thông qua các hình thức trực tiếp, trực tuyến…

CHẤN HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dak-nong-trien-khai-kham-chua-benh-tu-xa-trong-toan-he-thong-y-te-post839127.html