Đakrông làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đakrông tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi đào tạo, đa số người lao động đã áp dụng được những kiến thức đã học vào thực tế, tạo việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm mô hình giun quế kết hợp chăn nuôi gà của mình, anh Hồ Công Hòa ở tại thôn Hà Vụng, xã Ba Lòng cho biết, lâu nay ngoài trồng lúa anh còn nuôi thêm một số loại gia cầm như gà, vịt. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên anh chủ yếu nuôi theo phương thức thả rông, chất lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, khi nghe Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đakrông về tổ chức mở lớp đào tạo nghề nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà thả vườn ngay tại xã, anh liền đăng kí tham gia. Theo anh Hòa, khác với các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt mà anh đã từng được tham dự, với lớp đào tạo nghề này các học viên được hướng dẫn cụ thể phương pháp làm chuồng trại nuôi gà, bể nuôi giun quế, cách chế biến giun quế làm thức ăn cho từng giai đoạn phát triển của gà, cách vệ sinh phòng trị bệnh cho gà. “Nếu như trước đây người dân thường nuôi gà bằng cách thả rông, không biết được cách chọn giống, sử dụng vắc xin, thuốc thú y nên đàn gà thường bị bệnh, hiệu quả thấp. Từ khi tham gia lớp đào tạo nghề do Trung tâm GDNN - GDTX tổ chức, tôi đã biết được cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà và áp dụng kĩ thuật nuôi một cách bài bản, đặc biệt là cách sử dụng giun quế để làm thức ăn nên đàn gà phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 2 m2 bể nuôi giun quế và 30 con gà ban đầu, hiện nay tôi đã mở rộng diện tích bể nuôi giun quế lên 10 m2 và thả nuôi 250 - 300 con gà mỗi lứa”, anh Hòa cho hay.
Còn tại thôn Tà Rẹc, xã Pa Nang, trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Văn Phải cho biết, từ trước đến nay anh và những người dân trong xã chỉ biết vào rừng lấy gỗ, trồng lúa, trồng sắn trên nương rẫy. Nhưng từ khi được tham gia lớp đào tạo kĩ thuật trồng rừng, anh đã biết cách trồng và chăm sóc rừng. “Lâu nay tôi cứ nghĩ là cây rừng tự mọc, mình cần lấy củi, lấy gỗ thì chỉ việc vào rừng lấy. Nhưng sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn cách trồng rừng, bảo vệ rừng tôi đã không còn làm vậy nữa. Giờ tôi đã trồng được 3 ha rừng tràm, chuẩn bị đến kì thu hoạch”, anh Phải nói.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đakrông Cáp Thị Vân, Đakrông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước với phần lớn dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, để vận động đồng bào tham gia các lớp đào tạo nghề, bên cạnh khảo sát nhu cầu đào tạo sát với nhu cầu thực tế của người dân, ưu tiên đào tạo các ngành nghề theo hướng giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, trung tâm đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể đến tận từng thôn, bản, vào tận từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đồng thời, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm, liên kết với các cá nhân, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người dân sau học nghề. Nhờ vậy, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 74 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 1.637 lao động nông thôn. Hầu hết lao động sau khi được đào tạo các nghề nông nghiệp đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào quá trình sản xuất, góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi như các mô hình nuôi lợn nái sinh sản, nuôi gà thả vườn, trồng chuối, trồng sả... Các học viên của một số lớp nghề như nghề kĩ thuật xây dựng đã cùng nhau thành lập đội chuyên đi nhận xây dựng các công trình nhà ở cho người dân trên địa bàn xã và các địa phương lân cận. Các học viên lớp đào tạo nghề kĩ thuật trồng dưa hấu, trồng sả đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác dưa hấu Phú Thành, xã Mò Ó; Hợp tác xã Vân Pa tại Thôn 5, xã Hải Phúc để cùng hợp tác trồng sả. Đặc biệt, năm 2018, trung tâm đã phối hợp với Hội Người mù huyện tổ chức lớp đào tạo nghề làm hương cho 31 hội viên. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các hội viên đã được Hội Người mù huyện hỗ trợ máy móc, thành lập tổ hợp tác sản xuất hương để bán cho người dân trên địa bàn huyện với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/bó.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đakrông vẫn còn những bất cập, hạn chế như người lao động sau đào tạo còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm do yếu về tay nghề và thiếu về kinh nghiệm. Phần lớn lao động sau học nghề mới chỉ sản xuất được những mặt hàng đơn giản, chưa sản xuất được những mẫu mã chất lượng cao. Theo bà Cáp Thị Vân, xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, trong những năm tới, Trung tâm GDNN - GDTX huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với nhu cầu của người lao động. Hình thức tổ chức các lớp đào tạo nghề như chọn địa điểm mở lớp, thời gian đào tạo tiếp tục được thực hiện linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trên địa bàn huyện tham gia. Phương thức đào tạo cũng chuyển đổi từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu của thị trường. Đồng thời tham mưu UBND huyện có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141826