Đảm bảo an toàn sức khỏe những ngày Tết

Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, phóng viên (P.V) Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi nhanh với Bác sỹ CKI Đinh Ngọc Thư, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình xung quanh câu chuyện sử dụng thực phẩm an toàn, việc uống rượu, bia để giữ gìn sức khỏe trong những ngày Tết.

Mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Ảnh minh họa

Mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Ảnh minh họa

P.V: Thưa bác sỹ, những bệnh nào thường xảy ra vào dịp Tết và cách nhận biết sớm các bệnh này?

Bác sỹ Đinh Ngọc Thư: Vào mùa Xuân thường có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm do thời tiết mát mẻ nhưng vẫn ẩm thấp và kèm mưa phùn... Với những bệnh thường gặp trong dịp Tết, ngoài các bệnh truyền nhiễm còn có thể gặp thêm và tăng nặng một số bệnh mạn tính, như: ngộ độc thực phẩm; dị ứng thực phẩm; hội chứng đau dạ dày; tiêu chảy; viêm tụy cấp; ngộ độc rượu, bia; các bệnh về tim mạch, bệnh huyết áp, tiểu đường, đột quỵ...

Nguyên nhân là do vào những ngày nghỉ Tết, tâm lý của mỗi người thường muốn thoải mái. Cho rằng, cả năm làm việc vất vả, nên những ngày Tết cần được vui chơi, hưởng thụ. Do đó, hầu như ai cũng chơi hết mình, ăn uống thoải mái, ngủ nghỉ không điều độ... Ngay cả những người đang điều trị bệnh mạn tính cũng có khi quên cả những điều kiêng cữ mà hàng ngày đã thực hiện rất khắt khe, từ đó dễ dẫn đến tình trạng bệnh lý xảy ra hết sức nguy hiểm.

Cách nhận biết sớm với các bệnh, là phải lắng nghe cơ thể, nắm bắt được diễn biến sức khỏe của bản thân mình. Điều này không ai ngoài chính bản thân người đó. Khi thấy cơ thể không bình thường, vượt quá sức chịu đựng, cần chủ động đi thăm khám sức khỏe hoặc thông báo sớm cho người thân. Đặc biệt cần quan tâm hơn đến người già và trẻ em. Những đối tượng này cần phải được theo dõi sát sao để có thể được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

P.V: Vào dịp Tết, lượng bệnh nhân nhập viện thường liên quan đến các bệnh gì và có tăng so với ngày thường?

Bác sỹ Đinh Ngọc Thư: Trong những ngày Tết, các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện không khám bệnh thông thường, mà chỉ giải quyết những bệnh cấp cứu, tai nạn đột xuất. Tuy nhiên, qua theo dõi ở các năm qua cho thấy, tại các khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, chống độc, bệnh nhân nhập viện thường tăng cao hơn so với ngày thường. Trong đó, một phần là bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính và phải cấp cứu khi ở mức độ nguy hiểm. Còn lại là cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đánh nhau, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu...

Có thể kể đến một số bệnh nguy hiểm, dễ mắc trong những ngày Tết như ngộ độc thực phẩm, dị ứng thực phẩm, đau dạ dày, tiêu chảy... Các bệnh này nguyên nhân là do ăn uống nhiều loại thực phẩm, dẫn đến thừa chất, đầy bụng, khó tiêu. Nếu mắc các bệnh này, thấy cơ thể mệt, đau bụng, khó thở, sốt cao, cần phải đưa đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị ngay. Cùng với đó là các bệnh viêm tụy cấp, bệnh gút, nhóm bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, các bệnh về tim mạch..., người bệnh cần duy trì uống thuốc đều đặn và thực hiện chế độ ăn kiêng. Không nên ăn quá no và uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá. Khuyến cáo đối với những người đang điều trị bệnh mãn tính, khi thấy người mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, đau nặng hoặc nhói ngực thì phải lập tức đi khám ngay.

P.V: Thưa bác sỹ, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là uống bia, rượu trong ngày Tết như thế nào là phù hợp, không để ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng?

Bác sỹ Đinh Ngọc Thư: Các nghiên cứu cho thấy, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn mà đều có thể gây ra những nguy cơ và hậu quả nhất định cho sức khỏe. Do đó, mỗi người cần kiểm soát lượng rượu, bia uống vào ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống; cần chọn loại rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Để đảm bảo sức khỏe, không nên uống một lúc quá 3 lon bia hoặc 3 ly rượu vang. Sau khi uống, không nên tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động ở nơi nguy hiểm, không an toàn dễ gây nguy cơ té ngã, va chạm, chấn thương... Dù uống ít cũng không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Không uống rượu lúc đói, vì sẽ kích ứng dạ dày, dẫn đến viêm loét, chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu bia, nên uống nước lọc, hoa quả, súp, canh, ăn rau xanh để giảm bớt nồng độ cồn có trong rượu.

P.V: Theo bác sỹ, để phòng tránh các bệnh thường gặp trong dịp Tết, mỗi người cần chú ý những gì, đặc biệt đối với người già và trẻ em?

Bác sỹ Đinh Ngọc Thư: Theo tôi, cần có kế hoạch và lên lịch vui Xuân của bản thân và gia đình để không bị động. Cố gắng giữ mức sinh hoạt gần với nhịp độ thông thường. Cần giảm các thức ăn có nhiều mỡ, ăn ít thực phẩm như thịt mỡ và các phủ tạng; hạn chế uống nước ngọt, ăn mứt, bánh kẹo; nhớ uống đủ nước, nên ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp cho cơ thể đủ lượng các chất khoáng, các loại vitamin...

Chúc Xuân nhưng không nên ép bia, rượu quá chén để ảnh hưởng đến sức khỏe, đi lại. Trong ăn uống, cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh, an toàn thực phẩm, như thực phẩm tươi, an toàn; ăn ngay sau khi nấu chín; bảo quản thực phẩm đúng cách; vệ sinh tay trước khi chế biến thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn...

Mỗi người không bỏ bữa, nhất là trẻ em và người lớn tuổi không chơi quá khuya, dành thời gian cho nghỉ ngơi. Theo dõi thời tiết để mặc phù hợp, không để quá nóng, quá lạnh cho trẻ em và người già khi ra đường... Đặc biệt đối với những người già mắc bệnh mãn tính, cần uống thuốc đầy đủ theo lịch; có chế độ ăn, ngủ, nghỉ, tập luyện thể thao phù hợp để đảm bảo sức khỏe. Khi thấy khó chịu trong người, không được ngại ngày Tết, sợ phiền con, cháu mà chịu đựng, cần vào viện ngay để được thăm khám, điều trị kịp thời.

P.V: Xin cảm ơn bác sỹ.

Huy Hoàng (Thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-an-toan-suc-khoe-nhung-ngay-tet/d20230113081442551.htm