Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Tết Trung thu đang tới gần, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bánh kẹo, đặc biệt là bánh trung thu rất cao. Tuy nhiên, các sản phẩm này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), nếu không có sự kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ từ ngành chức năng.
Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền (Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh An Giang về ATTP) thông tin: “Để bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Trung thu năm 2023. Theo đó, chỉ đạo các ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP”.
Từ ngày 6/9 - 5/10/2023, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp sẽ tiến hành kiểm tra trên toàn tỉnh về công tác bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết Trung thu. Trong đó, kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm (tập trung các mặt hàng bánh, kẹo, bánh trung thu...), về bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc chấp hành quy định về quảng cáo, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Các lực lượng tiến hành thanh, kiểm tra việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu trong sản xuất, chế biến thực phẩm…
Trên địa bàn An Giang hiện có 30 cơ sở SXKD bánh trung thu. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ngành chức năng kết hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cơ sở SXKD, đảm bảo thực hiện đúng quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp sản xuất...
Qua kiểm tra bước đầu cho thấy, các cơ sở, điểm bán thực hiện đúng quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP trong SXKD, bảo quản thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, các hộ kinh doanh xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan; nguyên liệu sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có niêm yết giá đúng quy định... Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu gửi thử nghiệm chất lượng đối với các loại bánh trung thu.
“Việc kiểm tra nhằm tập trung phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu… lưu thông trên thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” - ông Phạm Hoài Nam (Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường An Giang) nhấn mạnh.
Bà Trần Mỹ Thanh (chủ hộ kinh doanh Mỹ Thanh, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) khẳng định: “Nhiều năm làm bánh trung thu, chúng tôi rất quan tâm chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến vấn đề vệ sinh ATTP. Công nhân được khám sức khỏe định kỳ, trước khi chế biến phải luôn chấp hành tốt các quy định, như: Rửa tay sạch sẽ, mang găng tay, chụp tóc... Các nguyên liệu làm bánh đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ngon, chất lượng, bảo đảm ATTP. Nhờ đó, bánh trung thu Mỹ Thanh duy trì được uy tín, chất lượng suốt thời gian qua”.
Bà Thanh cho rằng, việc kiểm tra định kỳ hàng năm của ngành chức năng rất có ý nghĩa. Các đoàn kiểm tra đến cơ sở, giúp chúng tôi thực hiện đúng, nghiêm quy định, người tiêu dùng yên tâm hơn. Còn chị Châu Bảo Ngọc (chủ hộ kinh doanh King, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) thông tin: “Nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi luôn chú trọng chất lượng nguồn nguyên liệu. Đối với nhân bánh, cơ sở mua nguyên liệu về sên, không mua loại nhân chế biến sẵn. Tuy giá nguyên liệu chế biến sẵn rẻ nhưng không yên tâm về chất lượng. Hơn 20 năm sản xuất bánh trung thu theo phương pháp truyền thống, cơ sở của chúng tôi được khách hàng ưa chuộng nhờ chất lượng thơm ngon, đặc biệt là ATTP”.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang khuyến cáo, cơ sở SXKD thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, như: Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều; tường, trần, nền nhà khu vực SXKD, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc; trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dễ làm vệ sinh, nhằm tránh nhiễm chất độc hại...
Đối với nguyên liệu chế biến thực phẩm, phải có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế. Các cơ sở sử dụng bao bì thực phẩm phải sạch sẽ, an toàn, ghi nhãn sản phẩm đầy đủ thông tin, có ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản…
Nơi bày bán thực phẩm phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, cần bảo quản bánh trung thu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, không để gần hàng hóa có mùi lạ; tuyệt đối không được kinh doanh bánh không rõ nguồn gốc, bánh quá hạn sử dụng, bánh bị mốc.
Người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán đảm bảo điều kiện vệ sinh, kiểm tra kỹ nhãn hiệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Cần quan sát màu sắc bên ngoài, bên trong và mùi vị của bánh. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng nên thông báo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nơi gần nhất để đề phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-dip-tet-trung-thu-a375360.html