Đảm bảo an toàn thương mại điện tử cho người tiêu dùng
Những năm gần đây, giao dịch thương mại điện tử ngày càng gia tăng và được nhiều người lựa chọn. Đây là hoạt động chủ yếu dựa vào giao dịch trên không gian mạng giữa người bán và người mua. Vì vậy các yếu tố an toàn khi tham gia giao dịch bằng phương tiện thương mại điện tử là rất quan trọng.
Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có hơn 70% dân số dùng internet, trong đó có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, 72 triệu người dùng mạng xã hội. Với sự bùng nổ của sàn thương mại điện tử giúp cho việc mua sắm của người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị. Ảnh: Đ.Hòa
Tại Bình Thuận, những năm qua hoạt động kinh doanh thương mại phát triển mạnh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 thì loại hình thương mại này ngày càng phát triển mạnh mẽ. Giờ đây, khi hoạt động mua sắm trực tiếp được nối lại, nhưng do tiện ích của việc mua sắm qua mạng nên vẫn tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển ứng dụng thương mại điện tử. Đơn cử như tại siêu thị Co.opmart Phan Thiết cũng như toàn hệ thống SaigonCo.op đã áp dụng kinh doanh bằng thương mại điện tử qua các App, Web, ZaloOA… và thanh toán qua ngân hàng chuyển khoản trực tiếp, qua ví Momo, Vnpay QR, Zalopay, Co.oponline… đã mang lại hiệu quả được nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua sắm, thanh toán tiền mà không cần phải đến trực tiếp tại siêu thị. Hay như Viettel hiện đang cung cấp dịch vụ Viettel Money, đây là hệ sinh thái tài chính số với đa dạng nguồn tiền, cho phép người dùng thực hiện mọi giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng.
Chị Thanh Phương, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết cho biết: “Do công việc bận rộn nên tôi thường lựa chọn mua hàng qua mạng. Từ quần áo, mỹ phẩm cho đến các đồ gia dụng, thực phẩm sử dụng trong gia đình tôi đều mua theo hình thức này. Giá cả các mặt hàng cũng tương đương với các cửa hàng nhưng ưu điểm là tiện lợi, tiết kiệm thời gian”.
Tuy nhiên, mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng. Đối với những website bán hàng có uy tín thì có quy định cụ thể trong thể thức giao hàng, đổi, trả, quảng cáo hàng, phương thức thanh toán để người tiêu dùng tham khảo, lựa chọn và sử dụng dịch vụ. Thế nhưng, vẫn có không ít sàn thương mại điện tử, website và nhất là những cá nhân bán hàng qua mạng xã hội theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” khiến không ít trường hợp người tiêu dùng dở khóc, dở cười.
Để mua sắm trực tuyến thực sự là hình thức mua sắm mang lại nhiều tiện tích, bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, khách hàng cần chủ động tiêu dùng thông thái và tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này. Theo đó, khi tiếp cận hàng hóa qua mạng, người tiêu dùng cần chọn những sản phẩm của nhà sản xuất, phân phối có thương hiệu uy tín, các công ty có pháp lý rõ ràng. Phải nắm được hàng hóa giá cả cần mua có thể hiện trên trang mạng của công ty đó. Đồng thời, kiểm tra kỹ thông tin hàng hóa như xuất xứ, nơi sản xuất, hạn sử dụng… người tiêu dùng chỉ nên chọn sản phẩm mà mình hiểu rõ trước khi đặt mua và hoàn tất giao dịch. Bên cạnh đó, khi thanh toán trực tuyến qua trang web của thương mại điện tử hoặc các cổng thanh toán, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ để nhận biết được đâu là website uy tín và chính thống của doanh nghiệp và tổ chức đó. Hiện nay tội phạm mạng thường nhắm đến đánh cắp dữ liệu cá nhân, các ứng dụng và website giả mạo trong những đợt cao điểm mua sắm nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Cho nên người tiêu dùng tuyệt đối không truy cập vào các đường link, trang web lạ được gửi đến từ người khác. Không cung cấp toàn bộ các số thẻ trên ngân hàng và cẩn trọng với các cuộc gọi điện thông báo chuyển nhầm tiền…