Đảm bảo các điều kiện thực hiện chất lượng Chương trình GDPT mới

Ngày 11/3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì; tại điểm cầu các địa phương, một số Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chủ trì, cùng lãnh đạo Sở GDĐT và các sở, ngành liên quan tham dự. Điểm cầu tỉnh Lâm Đồng do UBND tỉnh triệu tập đại biểu tham dự, Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải chủ trì.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại điểm cầu Bộ GDĐT

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại điểm cầu Bộ GDĐT

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG CHỦ ĐỘNG KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN

Hội nghị nhằm rà soát tình hình triển khai Chương trình GDPT 2018; chia sẻ kết quả đạt được và kinh nghiệm triển khai; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất những nhiệm vụ trong thời gian tới. Qua trao đổi, nhiều địa phương đã nỗ lực, linh hoạt đưa các giải pháp trong triển khai thực hiện chương trình mới. Trong đó, tập trung bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng tài liệu giáo dục địa phương...Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu: “Các địa phương đã rất vào cuộc, rất thấu hiểu, ngành Giáo dục cũng đã rất quyết tâm. Đây là điều đáng ghi nhận”.

Từ thực tiễn triển khai, các địa phương đã nêu những ý kiến đề xuất, kiến nghị các vấn đề tiếp tục cần tháo gỡ như đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất - trang thiết bị dạy học; phương pháp lựa chọn sách giáo khoa; công tác biên soạn, in ấn tài liệu Giáo dục địa phương…Đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT và các cục, vụ liên quan của Bộ GDĐT đã trao đổi, giải đáp.

Để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương và các bộ, ngành liên quan. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, các địa phương cần quan tâm để bảo đảm đủ đội ngũ đáp ứng yêu cầu giảng dạy; đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3 từ năm học 2022 - 2023. Vận dụng các giải pháp có thể để đáp ứng yêu cầu này, từ tuyển dụng, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái…Với giáo viên dạy Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10, trường hợp không có giáo viên thì phải huy động đội ngũ giáo viên trung học cơ sở...

Triển khai Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh ngành Giáo dục phải ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và trường học mở cửa trở lại theo tinh thần Nghị quyết 128. Năm học 2021 - 2022, áp dụng Chương trình GDPT gồm lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Quá trình triển khai đã cho thấy các địa phương, nhà trường, giáo viên có rất nhiều sáng tạo và linh hoạt trong tổ chức thực hiện…

Giám đốc Sở GDĐT, đại diện lãnh đạo các sở liên quan, trưởng các phòng chuyên môn thuộc Sở GDĐT tại điểm cầu Lâm Đồng

Giám đốc Sở GDĐT, đại diện lãnh đạo các sở liên quan, trưởng các phòng chuyên môn thuộc Sở GDĐT tại điểm cầu Lâm Đồng

LÂM ĐỒNG KHÔNG VƯỚNG MẮC LỚN TRONG THỰC HIỆN

Đó là nhận xét khái quát của Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải. Qua báo cáo của Sở GDĐT Lâm Đồng, kết quả triển khai Chương trình GDPT 2018 đạt được nhiều nội dung yêu cầu đặt ra. Từ công tác truyền thông, tuyên truyền; việc chỉ đạo triển khai thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra về đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên địa bàn, đến xây dựng, biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; lựa chọn sách giáo khoa để triển khai thực hiện trên địa bàn; việc triển khai thực nghiệm, thí điểm chương trình và sách giáo khoa.

Về đội ngũ, năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục Lâm Đồng cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị. Lâm Đồng đã tổ chức cho 66 cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán bồi dưỡng về các mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 và 562 giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng các mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 để triển khai Chương trình GDPT 2018…

Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai Chương trình mới, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 là 1.638 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, đã bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư 35 dự án để lập báo cáo xin chủ trương, khởi công xây dựng trong năm 2021, với kinh phí 1.106,304 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu với tổng kinh phí giai đoạn 2016 - 2020 là 1.005 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu từ lớp 1 đến lớp 12 của Bộ GDĐT ban hành, Sở GDĐT đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, thống kê, báo cáo để có kế hoạch trang bị đảm bảo cung ứng đủ trong năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo…

Tỉnh Lâm Đồng cũng đã đánh giá về chương trình, sách giáo khoa mới, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc đối với giáo viên và học sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, phát huy những mặt thuận lợi, mặt ưu điểm; đồng thời, cùng tìm các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế phù hợp theo thực tiễn cụ thể ở địa phương…

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202203/dam-bao-cac-dieu-kien-thuc-hien-chat-luong-chuong-trinh-gdpt-moi-3106636/