Đảm bảo minh bạch, đồng thuận các khoản thu đầu năm học 2023-2024

Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả kế hoạch giáo dục ngay từ đầu năm học 2023-2024, các nhà trường trong tỉnh cũng thực hiện nghiêm túc, minh bạch các khoản thu đầu năm theo quy định, tạo sự đồng thuận cao với phụ huynh học sinh.

Một buổi họp phụ huynh tại Trường Tiểu học Nam Thành (thành phố Ninh Bình).

Một buổi họp phụ huynh tại Trường Tiểu học Nam Thành (thành phố Ninh Bình).

Ngay sau ngày khai giảng, Sở GD-ĐT Ninh Bình đã có Văn bản số 1297/SGDĐT-KHTC, ngày 06/9/2023 về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học, năm học 2023-2024.

Đồng chí Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Đối với khoản thu học phí năm học 2023-2024, trước mắt các đơn vị ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh tạm thời chưa triển khai thực hiện. Sở GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn sau.

Nguyên tắc các khoản thu, mức thu phải thực hiện theo thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh hoặc người học; khoản thu và mức thu khi thực hiện không vượt quá mức tối đa đối với những khoản thu có quy định mức tối đa.

Việc thỏa thuận thực hiện bằng văn bản và phải phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập cha mẹ học sinh và đảm bảo nguyên tắc thu bù chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Không thực hiện các khoản thu đối với nội dung đã được ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ hoặc đã được bố trí từ nguồn kinh phí khác.

Các cơ sở giáo dục không được tự áp đặt đối với học sinh, cha mẹ học sinh về việc sử dụng các dịch vụ phục vụ và tổ chức các hoạt động giáo dục khác khi chưa có sự đồng thuận, thống nhất giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh. Mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục phải xây dựng dự toán chi cụ thể để làm cơ sở xác định mức thu đối với học sinh.

Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của HĐND tỉnh về việc Quy định các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Từ khi áp dụng Nghị quyết số 39 đến nay không xảy ra tình trạng lạm thu, thu sai quy định tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD-ĐT, các nhà trường đã tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện quy định các khoản thu theo quy định.

Thầy giáo Trần Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Ninh Bình) cho biết: Vào đầu năm học, nhà trường nhận được các văn bản hướng dẫn các khoản thu, chi theo quy định. Nhà trường triển khai các cuộc họp trong ban lãnh đạo, ban chi ủy, ban đại diện cha mẹ học sinh... sau đó ra dự thảo kế hoạch thực hiện các khoản thu đầu năm và đề nghị góp ý dự thảo kế hoạch thu chi bằng văn bản, nếu được sự đồng ý, nhất trí cao, nhà trường ra thông báo thu, có dự toán chi tiết các khoản thu - chi theo hoạt động giáo dục nhà trường.

Các khoản thu chi được quyết toán công khai, minh bạch, tuyên truyền tới các bậc phụ huynh dưới nhiều hình thức: văn bản, qua giáo viên chủ nhiệm, trên trang Website nhà trường, các cuộc họp phụ huynh, họp hội đồng giáo dục...

Bộ phận kế toán - tài vụ Trường THPT Trần Hưng Đạo triển khai thu các khoản qua ứng dụng CNTT.

Các khoản thu thực hiện theo Nghị quyết số 101/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 39/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Theo đó mức trần đối với các khoản thu: Trông giữ xe đạp, xe đạp điện không quá 10.000 đồng/học sinh/tháng; xe máy điện, xe máy không quá 20.000 đồng/học sinh/tháng; tiền ăn bán trú trẻ mầm non và tiểu học không quá 25.000 đồng/học sinh/ngày; tiền ăn đối với học sinh trường THPT dân tộc nội trú không quá 45.000 đồng/học sinh/ngày; tiền chăm sóc bán trú không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng.

Làm quen tiếng Anh đối với trẻ mầm non, học sinh lớp 1, 2 (giáo viên là người Việt Nam) không quá 8.000 đồng/học sinh/tiết; làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh lớp 1,2 và dạy học Tiếng Anh đối với học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 (giáo viên là người nước ngoài) là người bản ngữ không quá 50.000 đồng/học sinh/tiết và không quá 40.000 đồng/học sinh/tiết với giáo viên không phải là người bản ngữ;

Dạy thêm các môn đối với học sinh Tiểu học không quá 6.000 đồng/học sinh/tiết; dạy thêm các môn văn hóa đối với THCS (chỉ thu với các tiết học tăng thời lượng) không quá 7.000 đồng/học sinh/tiết; dạy thêm môn văn hóa với học sinh THPT không quá 8.000 đồng/học sinh/tiết...

Thầy giáo Trần Đại Kiệt, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Nhạc (Yên Khánh) cho biết: Năm học 2023-2024, nhà trường đã tổ chức các phiên họp giữa Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh, qua đó thống nhất các khoản thu - chi trong năm học 2023-2024. Các khoản thu đảm bảo phù hợp với gia đình học sinh và nhân dân trong xã, tất cả các khoản thu đều dưới mức trần quy định của tỉnh.

Đối với các khoản học thêm, nhà trường thống nhất thu mức 6.000 đồng/tiết, dưới mức sàn quy định; các khoản thu hộ bảo hiểm thân thể học sinh thống nhất mức thu 150.000 đồng/học sinh; sổ liên lạc điện tử thu mức 60.000 đồng; còn lại quỹ Đội theo quy định. Nhà trường không thu các khoản như nước uống, gửi xe, vệ sinh.

Kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh lấy từ nguồn đóng góp cha mẹ học sinh (không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh).

Ông Đinh Văn Kiên, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư), thường trực Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: Các khoản đóng góp tại nhà trường những năm gần đây đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện của gia đình học sinh, được 100% phụ huynh đồng thuận. Nhà trường chưa tiếp nhận các khoản xã hội hóa từ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Hàng năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường có buổi làm việc với Ban giám hiệu, chủ nhiệm các lớp yêu cầu công khai các khoản để Ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát các khoản thu, có điều chỉnh phù hợp.

Để thực sự các khoản thu đầu năm không phải là gánh nặng của các gia đình, tránh tình trạng lạm thu, đảm bảo thực hiện nghiêm theo quy định, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra chuyên đề, thanh tra đột xuất các cơ sở giáo dục về thực hiện các khoản thu, chi.

Đồng thời, UBND huyện, thành phố tổ chức kiểm tra theo phân cấp quản lý. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục trong năm học 2023-2024.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-minh-bach-dong-thuan-cac-khoan-thu-dau-nam-hoc-2023/d20230925152157628.htm