Đảm bảo nước cho hạ du thủy điện 'căng mình' vận hành chống hạn
Do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, năm nay nền nhiệt của cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Tại miền Trung, trong tháng 6 và tháng 7 nắng nóng kéo dài liên tục với cường độ gay gắt, trên diện rộng (với mức nhiệt trung bình 34 – 36 độ C) cộng với lưu lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn thiếu hụt hơn 50%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành sản xuất điện cấp nước hạ du của các nhà máy thủy điện.
Công ty CP Thủy điện A Vương 5 tháng đầu năm 2019, gần như chỉ tích nước
Tại TP. Đà Nẵng, nhiều tháng gần đây nguồn nước sinh hoạt liên tục bị nhiễm mặn, các đơn vị thủy điện tại Quảng Nam, nhất là Công ty CP Thủy điện A Vương (Thủy điện A Vương) liên tục được đề nghị xả nước rửa mặn, cấp nước cho hạ du. Trong khi mùa mưa lũ năm 2018, lưu vực hồ A Vương không có mưa nên lưu lượng nước về hồ rất kém.
Cụ thể, Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết đến ngày 16/12/2018 mực nước hồ A Vương chỉ đạt 344,68 mét, thiếu hụt 35,32 mét so với mực nước dâng bình thường và thiếu hụt 30,82 mét so với mực nước yêu cầu tối thiểu đảm bảo để vận hành hồ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (QT 1537) ban hành kèm theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 07/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đầu mùa cạn và tình hình thủy văn nước về hồ tiếp tục kém trong các tháng của mùa khô năm 2019 nên trong hơn 5 tháng đầu năm 2019 Thủy điện A Vương gần như không phát điện để tích nước đến mực nước đảm bảo vận hành theo QT 1537, khiến hoạt động sản xuất điện của Công ty rất khó khăn. Mặc dù vậy, đến ngày 11/6/2019, mực nước hồ A Vương chỉ đạt 363,86 mét, cao hơn mực nước quy định của QT 1537 là 1,86 mét.
Với diễn biến nắng nóng gay gắt trên địa bàn từ tháng 6 đến nay, để đạt được hiệu quả tổng hợp cao nhất, vừa vận hành phát điện đồng thời cấp nước cho hạ du, Thủy điện A Vương luôn chủ động đề xuất các giải pháp vận hành linh hoạt, hợp lý. Số liệu thực tế cho thấy lưu lượng trung bình xả qua phát điện của A Vương gấp 2 lần lưu lượng trung bình nước đến hồ (đặc biệt có những thời đoạn lượng nước xả qua phát điện từ hồ A Vương cao gấp từ 3 đến 8 lần lưu lượng nước chảy tự nhiên từ sông vào hồ), góp phần đáng kể chống hạn cho hạ du và giảm mặn tại các công trình thu nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt.
Do ưu tiên tích nước để điều tiết trong mùa khô 2019, Thủy điện A Vương được huy động chạy máy rất ít, sản lượng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 88,8 triệu kWh, thấp hơn rất nhiều so với năm trung bình nhiều năm, 2018 con số này là 373 triệu kWh.
Sông Bung thiếu hụt 70% so với dung tích hữu ích, chủ động ứng phó
Cũng trong tình cảnh tương tự, mùa cạn năm 2019 là thời kỳ vận hành khó khăn nhất kể từ khi Nhà máy Thủy điện Sông Bung đưa vào vận hành (năm 2014). Do mùa mưa năm 2018, lưu vực hồ chứa Công ty Thủy điện Sông Bung (Thủy điện Sông Bung) không xuất hiện lũ, lưu lượng nước về trung bình 37,16 m3/s, thiếu hụt 71,4% so với lưu lượng nước về cùng kỳ trung bình nhiều năm, hồ không tích đủ lượng nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành cấp nước hạ du theo QT 1537.
Chủ động ứng phó, ngay từ những ngày đầu Thủy điện Sông Bung đã báo cáo Cơ quan có thẩm quyền kiến nghị giảm, dừng vận hành phát điện đưa mực nước hồ về mực nước quy định, đảm bảo cấp nước hạ du cho cả mùa khô năm 2019.
Ngày 16/2/2019 do mực nước hồ đạt 220,23m đảm bảo theo QT 1537, theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng nam, Nhà máy thực hiện vận hành phát điện, cấp nước hạ du, góp phần chống hạn, phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho hai địa phương tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.
Trong quá trình vận hành, Công ty thường xuyên quan trắc, theo dõi diễn biến tình hình thủy văn nước về hồ, chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương, báo cáo kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo vận hành các hồ chứa đảm bảo cân đối nguồn nước cho cả mùa khô...
Do tình hình hạn hán kéo dài, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, Công ty đã liên tục vận hành xả nước với thời gian tối thiểu 12 giờ/ngày kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật (đặc biệt giai đoạn từ ngày 01/6/2019 đến nay), đồng thời báo cáo thông tin vận hành kịp thời, đầy đủ đến cơ quan hữu quan để phối hợp có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả...
Từ đầu năm đến ngày 31/7/2019, hồ Sông Bung đã vận hành cấp nước hạ du với tổng lượng nước 518,178 triệu m3, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở hạ du sông Vu Gia. Tuy nhiên tình hình thủy văn nước về hồ trong khoảng thời gian gần đây chưa được cải thiện. Thực tế lưu lượng nước về trung bình từ đầu tháng 7 đến ngày 31/7/2019 đều không nhiều, mực nước hồ lúc 7h00 ngày 01/8/2019 là 205,41 m,dung tích hữu ích trong hồ chỉ còn 4,7 triệu m3. Theo đại diện Công ty, nếu với lưu lượng nước về hồ từ nay đến 31/8/2019 không thuận lợi thì công tác vận hành cấp nước hạ du của hồ Sông Bung sẽ gặp khó khăn, không đảm bảo được lưu lượng xả nước theo yêu cầu của địa phương.
Tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước
Theo dự báo từ nay đến cuối mùa cạn, công tác cấp nước hạ du hệ thống Vu Gia – Thu Bồn sẽ còn nhiều khó khăn nếu tình hình thủy văn không thuận lợi kéo dài, do đó đại diện các Nhà máy thủy điện khu vưc này kiến nghị các địa phương cần tính toán kỹ, có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Ngoài ra QT 1537 cũng cần điều chỉnh linh hoạt theo thực tế.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chủ hồ chứa thủy điện để có phương án điều tiết, vận hành các hồ chứa kịp thời (khi xảy ra hạn hán, thiếu nước…) đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân hạ du về ý thức tiết kiệm, sử dụng hợp lý tài nguyên nước …
Một trong những giải pháp chống hạn được các chuyên gia ra nêu ra là phải có liên hệ chặt chẽ, phối hợp tốt của nhiều bên liên quan trong các công tác: Dự báo tình hình nhiễm mặn; Dự báo công suất hệ thống điện; Nắm rõ dung tích hữu ích từng hồ chứa trên lưu vực và năng lực tích, xả nước của từng hồ, nhất là các hồ cuối cùng trên bậc thang sông…;Các đơn vị sử dụng nước có kế hoạch tăng cường lấy nước vào các thời điểm triều thấp; giảm, không lấy nước khi triều cao, độ mặn cao…