Đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật

Việc xác định mức độ khuyết tật là một trong những căn cứ giúp cơ quan quản lý nhà nước về người khuyết tật đảm bảo thực hiện đúng các chính sách với người khuyết tật; đồng thời giúp cho người khuyết tật đảm bảo quyền lợi và hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Kỷ niệm ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4/1998-18/4/2022):

Toàn tỉnh hiện có trên 7,9 nghìn người khuyết tật, trong đó hơn 4.8000 người khuyết tật nặng và 1.500 người khuyết tật đặc biệt nặng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên, với tổng số tiền trợ cấp hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Thực tế cho thấy, trong số những người khuyết tật có một tỷ lệ khá cao do bẩm sinh (khoảng 56%) so tổng số; còn lại do bệnh tật, tai nạn, do di chứng chiến tranh và các nguyên nhân khác. Có nhiều người bị đa tật như vừa câm, vừa điếc, vừa khuyết tật về vận động lại khuyết tật về thị giác hoặc thính giác… do đó gặp rất nhiều cản trở, khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Đa số người khuyết tật đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất là những người khuyết tật nặng, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Duy, Trưởng phòng Bảo trợ - Trẻ em (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh) cho biết, trong những năm qua, công tác trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh Lào Cai được tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có gần 6.400 người khuyết tật được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước (không bao gồm người khuyết tật là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học).

Công tác chăm lo và giải quyết các chế độ chính sách cho người khuyết tật của tỉnh được chú trọng về y tế, giáo dục, văn hóa, phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng, trợ giúp pháp lý…

Mỗi năm Lào Cai có hơn 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; có 550 trẻ và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và 1.050 người được cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp... Qua đó, góp phần trợ giúp cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và vượt qua khó khăn, tự vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật ở Lào Cai vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đơn cử như trong công tác xác nhận người khuyết tật, một số hội đồng cấp xã còn lúng túng trong xác nhận dạng tật, mức độ khuyết tật, chưa vận dụng được những chứng bệnh thực tế của đối tượng vào các dạng khuyết tật để xác định mức độ khuyết tật; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong hội đồng, còn phụ thuộc khá nhiều vào cán bộ y tế nên tiến độ thực hiện còn chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật…

Vì vậy, để làm tốt hơn công tác chăm lo, trợ giúp người khuyết tật trong thời gian tới, vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật, làm căn cứ thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh như về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng, bảo hiểm xã hội…

Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở y tế tuyến xã/phường/thị trấn xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật; chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với hội đồng xác định mức độ khuyết tật cùng cấp trong việc cấp giấy xác nhận cho người khuyết tật.

Thời gian tới, để công tác chăm lo cho người khuyết tật được hiệu quả, đảm bảo đúng chính sách an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông về Luật Người khuyết tật, những chủ trương, chính sách trợ giúp đối với người khuyết tật theo quy định hiện hành, qua đó nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành, tổ chức hội đoàn thể, cộng đồng dân cư và gia đình. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động chăm sóc giúp đỡ, cưu mang đối với người khuyết tật đặc biệt khó khăn. Phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện cần phối hợp cùng các phòng, ban có liên quan hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí phục vụ cho công tác xác định mức độ khuyết tật theo đúng chính sách quy định nhằm tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người khuyết tật ở địa phương.

UBND xã, phường, thị trấn cũng tiếp tục kiện toàn Hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở địa phương, đảm bảo triển khai kịp thời công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật; giải quyết tốt các chế độ, chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật đảm bảo kịp thời, đầy đủ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, một số mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với sự phát triển mạnh mẽ về cơ chế chính sách và sự tăng cường, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật, trong thời gian tới sẽ nỗ lực gia tăng được tiếp cận, bảo đảm quyền và lợi ích cho người khuyết tật, giúp cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355393-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-khuyet-tat