Dặm đường tiếng Việt

Mỗi lần đọc tin trên báo chí, khi thấy tiếng Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức ở một quốc gia xa xôi nào đó, lòng tôi lại lâng lâng khó tả.

Ngôn ngữ của một dân tộc, chính thức được hiện diện và công nhận nơi cách xa vạn dặm, là chỉ dấu, tiền đề thuận lợi cho rất nhiều thứ: bang giao, văn hóa, lịch sử và kinh tế, xã hội.

Nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời giới thiệu trường ca Minh họa Kiều, mà ông cho rằng Truyện Kiều là đỉnh cao tinh túy của ngôn ngữ Việt. ẢNH: N.H

Nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời giới thiệu trường ca Minh họa Kiều, mà ông cho rằng Truyện Kiều là đỉnh cao tinh túy của ngôn ngữ Việt. ẢNH: N.H

Ví như chuyện VTC News kể hồi đầu tuần này, vì mê tiếng Việt mà cô gái Ukraine Sofia Koshelna xinh đẹp gặp gỡ và nên duyên với Phan Vũ Sơn khi anh theo học ở Ukraine và theo anh về Việt Nam để khởi nghiệp. Tờ báo này nói rằng “tiếng Việt mới thực sự là “bà mối” giúp họ có cơ hội gặp gỡ, hiểu và yêu nhau”(*). Rồi một hôm nào đó hồi tháng 6, tôi đọc thấy bản tin rằng tiếng Việt đã được công nhận dùng làm ngôn ngữ chính thức ở thành phố San Francisco (Mỹ).

Trước đó nữa, trong kỳ bầu cử năm 2020, tiếng Việt đã được trang trọng in trong phiếu bầu tại thành phố Dallas (bang Texas). Và tiếng Việt cũng đã là ngôn ngữ phổ biến thứ ba ở Úc, hoặc người Nhật đã cung cấp tư vấn về dịch Covid-19 bằng tiếng Việt cách đây ba năm khi đại dịch bùng phát, hay đường dây nóng ở Hàn Quốc được mở ra bằng tiếng Việt để tư vấn các vấn đề về gia đình, văn hóa phong tục Việt hoặc chăm sóc con cái…

Tiếng Việt, kể từ nhiều thế kỷ trước đến nay, song hành với những giai đoạn lịch sử thăng trầm, trôi nổi của đất nước, là kết tinh của sự miệt mài lựa chọn, gọt giũa, vun bồi của rất nhiều thế hệ. Khi xuất hiện những cuộc “thiên di” của một cộng đồng đến với vùng đất nào đó, ngôn ngữ được mang theo, và an nhiên “thấm” vào nơi ấy như một phương tiện không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày.

Có lẽ không riêng tôi, nhiều người vẫn nhớ và luôn nhớ bản Tình ca của Phạm Duy, khi mở đầu ông viết rằng: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…”, rồi tiếp đó là: “Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”. Khi nghe ngân nga giai điệu da diết của bản nhạc này, chợt nghĩ rằng ai đó lúc đối diện với những trầm luân dâu bể xứ người, cũng sẽ vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, thấy hồn lắng đọng hơn khi trong giấc mơ bỗng hiện hình cố thổ!

Chợt nhớ vào khoảng những năm giữa thập niên 1990, lúc ở Việt Nam bắt đầu có dịch vụ video phone. Nhiều người ở các quốc gia xa xôi, “hẹn” với người thân của mình trong nước đến các bưu điện lớn có trang bị loại dịch vụ này, để được gọi, nghe tiếng của nhau và lồng vào đó cả nét mặt biểu cảm ngôn ngữ mà video phone chuyển tải, dù mỗi phút tính ra món tiền thời đó khá đắt. Nhiều người sau này về nước đã tâm sự, nhờ vậy mà họ đỡ nhớ nhung tiếng nói, nhớ dáng hình thân thuộc quê nhà. Bởi trong sự cô đơn và muôn trùng cách trở, dường như họ cần một sự “tiếp sức” để sống qua mỗi thời khắc trong ngày, ấm áp hơn và tạm quên đi cảm giác ly biệt.

Những năm gần đây, có khá nhiều tác phẩm của các tác giả Việt được in ấn và lưu hành ở nước ngoài. Loại hình sách song ngữ ngày càng được chú trọng hơn, trong đó cũng nhằm mục đích để ngôn ngữ Việt đi vào đời sống của các cộng đồng cư dân ở xa Tổ quốc, nhất là đối với thế hệ trẻ mang trong mình dòng máu Việt Nam. Đó là tín hiệu rất vui trong bối cảnh toàn cầu hóa, dù có thể các phương tiện công nghệ mang tính ưu việt đã chuyển tải khá nhiều, song các tác phẩm xuất bản tâm huyết như vậy là điều vô cùng quan trọng để giới trẻ không quên tiếng mẹ đẻ, vốn là câu chuyện các bậc phụ huynh trăn trở, vẫn muốn hiện hữu ở mỗi gia đình trong từng bữa ăn giấc ngủ.

Vì vậy, mỗi lúc đi đến được nơi nào trên thế giới gặp được đôi ba gia đình người Việt sinh sống, cũng như tôi, hầu như ai cũng gặp được thái độ thân quen, gặp một tình cảm chân thành, khởi nguồn từ tiếng nói chung trong từng khuôn ngữ âm. Bước khởi đầu đó, đã dần dần giúp nhau tiến sâu vào các lĩnh vực muốn tìm hiểu như địa lý, lịch sử, văn hóa và tập quán sinh hoạt của người xứ ấy. Ngược lại, ngôn ngữ cũng là “mảnh đất” để trải lòng khi tâm sự về quê nhà, kể lể mọi điều cho người Việt sở tại muốn nghe và muốn biết.

Đó là sự đắc dụng vô cùng của tiếng Việt trên mỗi dặm đường, bởi nó luôn được ấp ủ trong nghĩa đồng bào!

Trần Thanh Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dam-duong-tieng-viet/