Dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 9,8 tỷ người vào năm 2050 - Thách thức cho các quốc gia

Dân số thế giới hiện nay đã tăng hơn gấp 3 lần so với giữa thế kỷ XX. Dân số thế giới dự kiến sẽ tăng gần 2 tỷ người trong 30 năm tới, từ 8,1 tỷ hiện tại lên 9,8 tỷ người vào năm 2050 và có thể đạt đỉnh gần 10,4 tỷ người vào giữa những năm 2080. Điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức to lớn cho các quốc gia trên toàn thế giới, từ việc đảm bảo an ninh lương thực, quản lý tài nguyên, đến giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển kinh tế bền vững.

Vào ngày 15/11/2022, dân số thế giới đạt 8 tỷ người, một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của xã hội loài người. Trong khi dân số toàn cầu mất 12 năm để tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ, thì sẽ mất khoảng 15 năm để đạt mốc 9 tỷ, một dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu đang chậm lại.

Tuy nhiên, mức sinh vẫn ở mức cao ở một số nước. Những quốc gia có mức sinh cao nhất thường là những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất. Do đó, tăng trưởng dân số toàn cầu theo thời gian ngày càng tập trung ở các nước nghèo nhất thế giới, hầu hết là khu vực châu Phi cận Sahara. Dân số ở khu vực này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 ngay cả khi mức sinh giảm đáng kể trong tương lai gần. Bất chấp sự không chắc chắn xung quanh xu hướng sinh sản trong tương lai ở châu Phi, số lượng lớn thanh niên những người sẽ nằm trong độ tuổi trưởng thành và sinh đẻ trong năm tới đang sinh sống ở khu vực này, điều này đảm bảo rằng châu Phi cận Sahara đóng vai trò trung tâm trong việc định hình quy mô và sự phân bố dân số thế giới trong những thập kỷ tới.

Ấn Độ là đất nước đông dân nhất thế giới. ẢNH: GETTY IMAGES

Ấn Độ là đất nước đông dân nhất thế giới. ẢNH: GETTY IMAGES

Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là hai quốc gia đông dân nhất thế giới (trên 1,4 tỷ người), Trung Quốc hiện chiếm 17,7% dân số toàn cầu, trong khi dân số Ấn Độ chiếm khoảng 17,8%. Dân số Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới, trong khi đó, dân số Trung Quốc gần đây đã đạt quy mô tối đa và có dấu hiệu suy giảm kể từ năm 2022. Theo dự báo, dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và có thể xuống dưới 1 tỷ người trước cuối thế kỷ này. Theo Viện Hàn lâm Thượng Hải về Khoa học Xã hội, dân số Trung Quốc vào năm 2100 có thể giảm đến 60% so với hiện tại. Vào năm 2100, quốc gia đông dân thứ hai thế giới có thể chỉ còn lại 525 triệu người.

Trong khi đó, dân số thế giới dự đoán sẽ đạt 10,4 tỷ vào năm 2100. Giống như bất kỳ loại dự báo nào luôn tồn tại mức độ không chắc chắn. Những số liệu về dân số trên được tính toán dựa trên phương án dự báo trung bình, giả định mức sinh giảm ở những quốc gia nơi mô hình gia đình đông con vẫn còn phổ biến, cũng như mức sinh tăng nhẹ ở một số quốc gia có số con trung bình của một phụ nữ ít hơn hai. Triển vọng về tuổi thọ trung bình cũng được dự đoán sẽ cải thiện ở tất cả các quốc gia.

Dân số của 61 quốc gia và khu vực trên thế giới dự kiến sẽ giảm vào năm 2050, trong đó có 26 quốc gia và khu vực có thể giảm ít nhất 10% dân số. Một số quốc gia dự kiến giảm hơn 10% vào năm 2050, bao gồm Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Hungary, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Cộng hòa Moldova, Romania, Serbia và Ukraine. Mức sinh ở tất cả các nước châu Âu hiện ở dưới mức sinh thay thế và trong phần lớn các trường hợp mức sinh đã ở dưới mức thay thế trong nhiều thập kỷ qua.

Nếu như dân số thế giới đạt gần 10 tỷ người như dự kiến vào năm 2050, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về cung cấp đủ lương thực, đảm bảo nguồn nước sạch, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội. Châu Phi cận Sahara là khu vực mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất trên thế giới. Hơn 600 triệu người ở khu vực này, tương đương 58% dân số khu vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của cả trẻ em và người lớn. Điều này có nghĩa là cứ hai người thì có một người đang phải chịu cảnh thiếu lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng. Năm quốc gia đang trong tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất ở khu vực châu Phi bao gồm: Sierra Leone, Liberia, Niger, Malawi và Lesotho.

Mất an ninh lương thực được định nghĩa là sự không chắc chắn trong việc tiếp cận đủ số lương thực, thực phẩm cần thiết cho một cuộc sống khỏe mạnh. Số người bị mất an ninh lương thực trên toàn cầu đang gia tăng, tăng thêm 300 triệu người kể từ năm 2014. Trong số 2 tỷ người trên thế giới đang trong tình trạng mất an ninh lương thực thì có khoảng 700 triệu người đang trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, điều này có nghĩa là các cá nhân này phải bỏ bữa hoặc không có gì ăn cả ngày.

Tình trạng mất an ninh lương thực này gây ra những hậu quả bất lợi đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân, năng suất lao động sụt giảm nghiêm trọng, sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia chịu ảnh hưởng của tình trạng mất an ninh lượng thực cũng bị kìm hãm.

Mất an ninh lương thực là vấn đề nghiêm trọng. ẢNH: AGRIGATE GLOBAL

Mất an ninh lương thực là vấn đề nghiêm trọng. ẢNH: AGRIGATE GLOBAL

Mất an ninh lương thực dẫn tới kết quả trực tiếp là bạo lực, xung đột hoặc bất ổn chính trị, là tác nhân gây ra những căng thẳng xã hội. Xung đột, đói nghèo cùng cực và mất an ninh lương thực tương tác với nhau một cách có hệ thống bằng cách tạo ra các vòng phản hồi tiêu cực.

Có thể nói, hầu hết các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt đều bắt nguồn từ sự gia tăng dân số. Trong đó, vấn đề môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại. Ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống, vấn đề xử lý rác thải và đối với nhiều người dân trên thế giới, chất lượng cuộc sống của họ ngày càng suy giảm do những ảnh hưởng bắt nguồn từ dân số.

Nhu cầu sử dụng nước đã tăng 1% mỗi năm trong bốn thập kỷ qua kể từ năm 1980. Nhu cầu này ngày càng tăng được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng dân số, hoạt động kinh tế và mô hình tiêu dùng. Nhu cầu về nước đã tăng lên ở tất cả các loại mục đích sử dụng bao gồm sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Ngoài ra, tác động đáng kể của biến đổi khí hậu đến hệ thống lương thực toàn cầu là do tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng. Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên hiệp quốc nhấn mạnh rằng hơn hai tỷ người sống ở các quốc gia đang gặp phải tình trạng căng thẳng về nguồn nước và khoảng 4 tỷ người gặp phải tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một tháng trong năm. Gia tăng dân số dẫn tới gia tăng tự nhiên nhu cầu về nước, tác động của biến đổi khí hậu cũng làm căng thẳng thêm về nguồn cung nước sạch trong những thập kỷ tới.

Những thay đổi bất lợi trong môi trường tự nhiên có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng xã hội nếu xã hội không có đủ khả năng phục hồi cần thiết để đối phó với những mối đe dọa này. Tương tự, xung đột và gia tăng dân số một cách không kiểm soát cũng có những tác động tiêu cực rõ ràng đối với môi trường. Hai yếu tố làm tăng sự khan hiếm tài nguyên và gây xung đột này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn trong đó cái này làm tăng khả năng xảy ra cái kia dẫn tới thất bại xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần tìm ra những giải pháp sáng tạo và bền vững để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế. Chìa khóa cho những thách thức này nằm ở việc tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, và triển khai các chính sách hiệu quả.

Một trong những giải pháp cấp bách là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Công nghệ và đổi mới trong nông nghiệp có thể giúp tăng năng suất và giảm lãng phí. Các biện pháp như sử dụng giống cây trồng chịu hạn, cải tiến kỹ thuật tưới tiêu và áp dụng công nghệ sinh học có thể giúp đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định ngay cả trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Đồng thời, quản lý tài nguyên nước hiệu quả là một yếu tố then chốt. Các quốc gia cần phát triển các chiến lược quản lý tài nguyên nước bền vững, bao gồm tái chế nước, quản lý nhu cầu nước và bảo vệ các nguồn nước ngầm. Việc giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của tiết kiệm nước và các biện pháp bảo vệ môi trường cũng là yếu tố không thể thiếu.

Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu đòi hỏi sự cam kết và hành động từ tất cả các quốc gia. Các chính sách giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và thúc đẩy các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cần được triển khai một cách quyết liệt. Hợp tác quốc tế, chia sẻ công nghệ và tài trợ cho các dự án phát triển bền vững ở các nước đang phát triển cũng sẽ giúp giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, việc đảm bảo sự ổn định kinh tế và xã hội đòi hỏi sự đầu tư vào giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Các quốc gia cần tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới, và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ cơ bản.

Dân số tăng nhanh ở các nước nghèo đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Các chính sách dân số và phát triển cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ sinh và cải thiện giáo dục và y tế. Sự đầu tư vào phụ nữ và trẻ em, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính có thể giúp kiểm soát tăng trưởng dân số một cách bền vững.

Để đối phó với những thách thức từ sự gia tăng dân số toàn cầu, chúng ta cần một chiến lược tổng thể, kết hợp giữa các biện pháp kỹ thuật, chính sách và hợp tác quốc tế. Chỉ khi chúng ta hành động kịp thời và đồng bộ, thế giới mới có thể phát triển bền vững và đảm bảo một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người.

Hồng Nhung biên dịch

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/dan-so-the-gioi-se-dat-nguong-98-ty-nguoi-vao-nam-2050-thach-thuc-cho-cac-quoc-gia-58003.html