'Dân ta phải biết sử ta'

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân trong cả nước. Ngay sau khi công bố, dự thảo nghị định này đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận, đặc biệt là đông đảo phụ huynh và học sinh, sinh viên cả nước.

Theo đó, trong dự thảo, Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2, Điều 10 Nghị định số 84 về việc miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa, theo hướng sau: Bổ sung 3 loại hình phương tiện giao thông công cộng mà học sinh, sinh viên được giảm giá vé: tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, phà. Trong khi theo quy định tại Nghị định số 84 thì học sinh, sinh viên chỉ được giảm giá vé tàu hỏa, xe ôtô buýt. Nếu chính sách miễn giảm này được Chính phủ thông qua sẽ gây thất thu không đáng kể cho ngân sách, nhưng giá trị mang lại rất lớn. Qua đó, không chỉ để học sinh, sinh viên tham gia phương tiện công cộng nhiều hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn tác động tích cực đến việc tiếp thu tri thức, trải nghiệm cuộc sống và tăng các kỹ năng mềm cho thế hệ tương lai.

Cũng tại dự thảo nghị định, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm quy định: Học sinh phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa như: bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và chuẩn hóa từ ngữ để phù hợp với Luật Di sản văn hóa. Như vậy, ngoài bổ sung thêm 3 loại phương tiện được giảm giá vé, dự thảo nghị định còn bổ sung nội dung hoàn toàn mới là học sinh, sinh viên được miễn phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… Trước hết, nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên xuất phát từ thực tế, vì từ nhiều năm nay, các bậc phụ huynh cũng như đông đảo thầy, cô giáo trong cả nước đều mong Nhà nước sớm thực hiện việc này bằng quy định cụ thể. Bởi chính sách này sẽ tác động tích cực đến việc học sinh phổ thông, nhất là học sinh tiểu học được tạo nhiều cơ hội tham gia học tập dưới hình thức trải nghiệm, khám phá thực tiễn.

Lịch sử là môn học giúp học sinh, sinh viên nhận thức được giá trị khoa học và thực tiễn của sử học trong đời sống xã hội hiện đại, hiểu biết và có tình yêu đối với lịch sử, văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ hiện nay, học sinh thường quen tìm kiếm thông tin nhanh chóng trên internet, thay vì đọc sách và tìm hiểu lịch sử từ thực tế. Điều này dẫn đến các em cảm thấy Lịch sử là môn học nhàm chán và không có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày của mình. Không những thế, nhiều học sinh không hiểu tại sao phải học về những gì diễn ra trong quá khứ, không thấy liên quan và có giá trị gì cho hiện tại. Vì thế, môn Lịch sử trở nên dư thừa trong mắt học sinh và nhắc đến ai cũng “ngáp ngắn ngáp dài”. Do đó, hơn lúc nào hết, trách nhiệm của nhà trường và xã hội phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Học sử, hiểu biết lịch sử là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi mặt trái nền kinh tế thị trường cùng những tác động của lối sống thực dụng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ thì việc giáo dục lịch sử càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Do đó, dự thảo nêu trên khi được Chính phủ thông qua sẽ tạo chuyển biến tích cực trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/164263/dan-ta-phai-biet-su-ta