Đánh giá kỹ tác động của dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Chiều 26-2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) đến các ngành sản xuất của Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia. Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Tiếp theo, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc, dự kiến sẽ khiến kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng hơn như việc Hàn Quốc, Nhật Bản đã bùng phát dịch bệnh và châu Âu, châu Mỹ phát hiện một số trường hợp dương tính với virus trong thời gian gần đây. “Diễn biến của dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Song tôi cho rằng không làm bi đát, trầm trọng hóa tình hình, chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của dịch để có thể đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, khả thi. Một số ngành chủ lực hiện nay bị tác động ngay là dệt may, da giày, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường trong nước cũng chịu tác động mạnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thông tin tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho biết, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ sản xuất. Trong đó, ngành điện, điện tử của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sàn xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3-2020. Tương tự, đa số các doanh nghiệp dệt may và da - giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đến đầu tháng 3-2020 hoặc đầu tháng 4-2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, các ý kiến tại hội nghị tập trung bàn tới các giải pháp bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Cùng với đó, có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/danh-gia-ky-tac-dong-cua-dich-covid-19-de-co-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-hieu-qua-610902