Đánh giá rõ tác động của các quy định về sàn giao dịch bất động sản

Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trong phiên họp chiều nay, 23.6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là dự luật quan trọng, được cử tri, Nhân dân, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rất quan tâm. Vì vậy, cần đánh giá rõ tác động của sàn giao dịch bất động sản; rà soát kỹ quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản, bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chiều nay, 23.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Gỡ điểm nghẽn, giúp phát triển thị trường bất động sản

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đánh giá đây là dự án Luật quan trọng, được cử tri, Nhân dân và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rất quan tâm, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) cho rằng, nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, giúp phát triển thị trường bất động sản và quản lý chặt chẽ thị trường này.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng chỉ rõ, còn một số hạn chế và cần tiếp tục hoàn thiện. Tại Điều 10, dự thảo Luật, điều kiện để một tổ chức được kinh doanh bất động sản hiện không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều này dẫn đến bỏ sót nhiều tổ chức tuy không đủ điều kiện nhưng vẫn được kinh doanh bất động sản như: tổ chức đang bị cấm kinh doanh hoặc đang bị cấm huy động vốn và tổ chức đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh bất động sản là “không trong thời gian đang bị cấm kinh doanh, đang bị cấm huy động vốn hoặc đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn”.

ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cũng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến lần này có xác định một số loại giao dịch nhà đất bắt buộc công chứng, chứng thực. Nhưng đến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lại quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản được lập thành văn bản, việc công chứng và chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ một số loại giao dịch phải công chứng, chứng thực theo khoản 2 Điều 10.

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Hải Phòng). Ảnh: Hồ Long

Mặt khác, qua thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho thấy, các giao dịch bắt buộc công chứng, chứng thực được liệt kê tại khoản 2 Điều 10 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) khác với các giao dịch đã được quy định tại 2 dự thảo Luật nêu trên. Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị rà soát, chỉnh lý để bảo đảm tính thống nhất khi các luật này được Quốc hội xem xét thông qua.

Bảo đảm công khai, minh bạch giá bán

Các quy định về sàn giao dịch bất động sản được quy định tại Điều 57, dự thảo Luật cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, việc quyết định giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản cần phải được phân tích sâu sắc, toàn diện các ưu điểm, hạn chế, tác động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng khác có liên quan, nhất là có liên quan đến các vấn đề bảo đảm công khai, minh bạch giá bán từ chủ đầu tư và giá qua sàn, tránh thông đồng, nâng giá ảnh hưởng tới các quyền của người mua.

Đặc biệt, theo đại biểu Lã Thanh Tân, việc đưa ra quy định này cần được rà soát với các luật khác có liên quan để có sự thống nhất, đồng bộ; đồng thời đánh giá rõ tác động của các phương án để khả thi và phù hợp nhất.

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu)

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Cùng ý kiến, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, nội dung này thu hút sự quan tâm và những tranh cãi liên quan đến việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đại biểu đề nghị, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng sau khi thực hiện khảo sát và đánh giá tác động để không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản mà còn phải bảo đảm tính chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức cá nhân tham gia các hoạt động theo hướng phát triển chuyên nghiệp, an toàn.

Đối với các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cân nhắc bổ sung yêu cầu nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, bổ sung “việc mua bán nhà ở, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất hoặc không gian sử dụng gắn liền với đất” vào Điều 15 dự thảo Luật về điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh.

Lý giải điều này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu rõ, vì thực tế hiện nay có nhiều trường hợp phát sinh các tranh chấp do chủ đầu tư không thể chuyển quyền sử dụng đất của dự án cho người mua nhà ở, công trình xây dựng khi chủ đầu tư chỉ được nhà nước cho thuê đất; đồng thời, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định về không gian sử dụng đất, bao gồm không gian ngầm và không gian trên không. Do đó, việc đề sửa đổi, bổ sung như trên là cần thiết.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/danh-gia-ro-tac-dong-cua-cac-quy-dinh-ve-san-giao-dich-bat-dong-san-i333590/