Danh hiệu nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất gặp 'vận hạn' ngay đầu năm

Từng được dự đoán sẽ đánh bại Nhật, Đức để vươn lên top 3 kinh tế thế giới: Ấn Độ lại đang gặp 'vận hạn' ngay đầu năm 2023 khi dự báo tổng sản phẩm quốc nội chỉ tăng 7% - một sự 'thụt lùi' đáng kể so với tăng trưởng GDP trong quý II/2021 đạt mức 8,4%.

Các công nhân làm việc tại một xưởng may mặc tại Andhra Pradesh, Ấn Độ.

Các công nhân làm việc tại một xưởng may mặc tại Andhra Pradesh, Ấn Độ.

Bộ Thống kê Ấn Độ ngày 6/1 vừa công bố dự báo chính thức đầu tiên cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này sẽ tăng 7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023.

Đây là một sự “thụt lùi” đáng kể khi tăng trưởng GDP trong quý II năm 2021 của Ấn Độ đạt mức 8,4%. Con số 7% cũng khiến danh hiệu tăng trưởng top 1 lọt vào tay Ả Rập Xê-Út (tăng 7,6%).

Ấn Độ đã có một khởi đầu thuận lợi cho năm tài khóa hiện tại, với kỳ vọng rằng các nguồn nhu cầu sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Nhưng sự lạc quan này đã nhanh chóng phai nhạt khi chính sách thắt chặt tiền tệ chưa từng thấy của các ngân hàng trung ương nhằm giảm lạm phát đang đẩy nhiều nền kinh tế tiên tiến đến suy thoái và cùng lúc đó là kìm hãm tăng trưởng ở những nền kinh tế khác.

Nhà kinh tế Kunal Kundu tại Societe Generale đánh giá nhu cầu tiêu dùng trong nước không đủ mạnh để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa do tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và tiền lương thực tế ở mức thấp kỷ lục.

Theo ông, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này đã không tăng trưởng đủ nhanh để đáp ứng khoảng 12 triệu người tham gia lực lượng lao động mỗi năm.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, vốn đã tăng lãi suất cơ bản lên 2,25% trong năm tài khóa này, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại chính sách thắt chặt tiền tệ. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng ngân hàng này sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào cuộc họp ngày 8/2 tới.

Cách đây một tháng, Ấn Độ còn được S&P và Morgan Stanley dự báo sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.

Quốc gia này đã quyết tâm trở thành khu vực trọng tâm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trung tâm sản xuất hàng đầu. Thậm chí Ấn Độ còn phát động chương trình PLIS nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Nhiều quốc gia cũng kỳ vọng vào Ấn Độ và tích cực chọn nơi này làm điểm đến đầu tư. Tuy nhiên, với nhiều yếu tố khách quan như suy thoái toàn cầu kéo dài, kinh tế quốc gia lại phụ thuộc quá nhiều vào thương mại với gần 20% sản lượng được xuất khẩu nên dự báo tăng trưởng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu không khả thi.

Thu Dung (t/h)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/danh-hieu-nen-kinh-te-lon-tang-truong-nhanh-nhat-gap-van-han-ngay-dau-nam-120042.html