'Đánh thức' bảo vật quốc gia - Bài 1

BPO - Theo nghiên cứu khảo cổ học và âm nhạc học, đàn đá (lithophone) là nhạc cụ thuộc bộ gõ, có niên đại từ khoảng 3.000 đến 2.500 năm trước Công nguyên. Các hoạt động sưu tập đàn đá được phát hiện ở nhiều địa bàn, kéo dài từ Nam Trung bộ đến Tây nguyên và Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước. Với những đặc điểm độc đáo, đàn đá Lộc Hòa được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, bảo vật này vẫn chỉ dừng lại ở việc trưng bày, chưa có hoạt động văn hóa hay sự kiện quy mô lớn nào để giới thiệu, trình diễn rộng rãi trước công chúng.

TIẾNG VỌNG NGÀN NĂM

Kể từ khi đàn đá Lộc Hòa được công nhận bảo vật quốc gia, mặc dù tỉnh đã có những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên những hoạt động này mới chỉ mang tính chất “giới thiệu” mà chưa phát huy hết giá trị của bảo vật.

Di sản vô giá của người tiền sử để lại

Vào tháng 10-1996, khi canh tác trong vườn nhà, một người dân ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh phát hiện 12 thanh đá xếp gần nhau theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Ít ngày sau, cũng tại địa điểm này người dân tiếp tục phát hiện 14 thanh đá khác. Đặc biệt, ở một số địa phương khác trong tỉnh, người dân cũng phát hiện nhiều thanh đá phát ra âm thanh như tiếng đàn. Qua nghiên cứu, bước đầu Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh xác định, những thanh đá phát hiện là đàn đá, một loại nhạc cụ cổ xưa của người tiền sử.

Đầu năm 2017, Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận bộ đàn đá Lộc Hòa là bảo vật quốc gia. Ngày 25-12-2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2089/TTg công nhận đàn đá Lộc Hòa là bảo vật quốc gia. Đây là niềm vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước nói riêng và niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Các thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng xã Phước Tân, huyện Phú Riềng tập luyện tiết mục biểu diễn kết hợp đàn đá và cồng chiêng- Ảnh: Phú Quý

Theo các nhà khoa học, về thang âm, điệu thức so với các bộ đàn đá của Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa… thì đàn đá Lộc Hòa được đánh giá là bộ nhạc cụ hoàn chỉnh và có nhiều cung bậc nhất, là nhạc cụ độc đáo, có giá trị cao về âm nhạc học, dân tộc học, văn hóa, khảo cổ và lịch sử… Qua phân tích và so sánh với các bộ đàn đá trong khu vực, các nhà khoa học đã xác định đàn đá Lộc Hòa có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống với niên đại khoảng gần 3.000 năm cách ngày nay. Về mặt âm nhạc học, đàn đá Lộc Hòa còn khiến người dân và các nghệ nhân ngỡ ngàng, thích thú.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Âm nhạc mới ra đời cách đây 500 năm, trong khi đàn đá Lộc Hòa đã xuất hiện 3.000 năm, nhưng có những nét tương đồng với âm nhạc hiện đại và còn có thể kết hợp được với nhiều loại nhạc cụ ngày nay. Điều đó khiến chúng tôi ngỡ ngàng và người nghe rất thích thú. Tôi nghĩ đây là bộ đàn “có một không hai” trên thế giới.

Thưởng thức qua… truyền thông

Đến nay, bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa mới chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, trưng bày mà chưa phát huy hết giá trị của bảo vật này. Tại nơi bộ đàn đá được phát hiện, người dân rất mong chờ được thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc sắc này nhưng những năm qua chỉ được thấy, nghe trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh cho biết: Người dân trên địa bàn rất mong được thưởng thức những tiết mục đặc sắc của đàn đá tại nơi này, trong bối cảnh không gian nghệ thuật để cảm nhận được rõ hơn giá trị của bảo vật quốc gia. Hơn nữa, bộ đàn đá được phát hiện tại xã Lộc Hòa, nơi trước đây đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống rất đông nên bà con mong được biết ai là chủ nhân thực sự của bộ đàn đá. Từ đó, địa phương cũng có thêm cơ sở để phát huy giá trị của bảo vật.

Đàn đá Lộc Hòa là di sản, tiếng vọng ngàn năm của cộng đồng người tiền sử để lại cho hậu thế. Vì thế, việc xây dựng một không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Bình Phước với những âm thanh đại ngàn trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho dân tộc.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/128592/danh-thuc-bao-vat-quoc-gia-bai-1