Đánh thức tiềm năng du lịch Cát Tiên

Không chỉ có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Cát Tiên còn có tiềm năng để phát triển du lịch. Trong những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền huyện Cát Tiên đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, khơi dậy các nguồn lực để đánh thức tiềm năng này.

Thác Đạ Rông xã Đồng Nai Thượng, một thắng cảnh với nét đẹp hoang sơ, hệ động, thực vật phong phú, đa dạng

Thác Đạ Rông xã Đồng Nai Thượng, một thắng cảnh với nét đẹp hoang sơ, hệ động, thực vật phong phú, đa dạng

ĐỊNH VỊ DU LỊCH

Cát Tiên là một huyện ở phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, được biết đến là một vùng trọng điểm lúa của tỉnh, một địa phương giàu truyền thống cách mạng, con người nơi đây hiền lành, chịu thương, chịu khó và rất hiếu khách. Nơi đây hội tụ 18 dân tộc anh em sinh sống, mỗi địa phương, mỗi vùng miền có những sắc thái văn hóa riêng đã tạo cho Cát Tiên có những nét văn hóa đa dạng và phong phú. Cùng với đó, Cát Tiên cũng được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái, cảnh quan có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Hoàng Lịch, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cát Tiên cho biết: Dựa trên các tiềm năng du lịch hiện có, huyện Cát Tiên đã định hướng khai thác các mô hình du lịch trọng tâm tại địa phương như: Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, giúp du khách có trải nghiệm chân thực về giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch tại một địa phương. Đồng thời, thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan như cộng đồng dân cư địa phương (người dân, chính quyền...), các công ty du lịch, khách du lịch.

Thông qua hoạt động này, du khách sẽ được tham gia các hoạt động du lịch sinh thái gắn với trồng rừng, giáo dục môi trường, tham quan rừng nguyên sinh, du thuyền trên sông Đồng Nai ngắm cảnh; đi bộ tham quan rừng với sự hướng dẫn của người dân địa phương, ngủ qua đêm tại một số bản người Mạ (Làng văn hóa Buôn Go - thị trấn Cát Tiên), S’Tiêng, thưởng thức các món ăn địa phương; tìm hiểu các hoạt động văn hóa, kiến trúc, đời sống người bản địa; đi bộ hoặc đạp xe đạp qua các bản làng, thăm và khám phá những nét có một không hai trong văn hóa của người bản địa tại các khu vực của Vườn Quốc gia Cát Tiên - khu sinh quyển thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên Cát Lộc với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm. Tham quan ngắm cảnh hệ thống các đảo trên hồ Đắc Lô, thác Đạ Rông xã Đồng Nai Thượng, Hang Thoát Y với nhiều huyền bí và hồ Đạ Sỵ…

Bên cạnh đó, mô hình du lịch nghiên cứu, học tập tại Vườn Quốc gia Cát Tiên - một khu vực được đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học, nơi bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm. Chính tiềm năng này là điểm thu hút những nhà nghiên cứu, các đoàn du khách, nhất là các em học sinh đến tham quan và học tập, nghiên cứu khoa học, kết hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường du lịch cho du khách lẫn cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Ngoài ra, mô hình du lịch nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại Khu di tích khảo cổ Cát Tiên đã được Nhà nước xếp hạng, còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được lý giải cụ thể; các giá trị văn hóa, lễ hội, đời sống cộng đồng, các phong tục tập quán như: tục tìm đất cất nhà và trồng trọt của người Mạ; lễ bỏ mả của các dân tộc Tây Nguyên; ngôi nhà Gươl của người Cơ Tu; phong tục hôn nhân dân của tộc Chơ Ro, S’Tiêng; phong tục xây nhà mồ, các nét đẹp về văn hóa cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, quy trình sản xuất rượu cần, cơm lam, dệt thổ cẩm, rèn, đan lát của dân tộc Mạ, S’Tiêng. Du lịch nghiên cứu lịch sử gắn với giáo dục truyền thống cách mạng tại căn cứ kháng chiến Khu ủy Khu VI…

Cùng với đó, mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với đời sống người dân nông thôn, cảnh quan, không gian nông thôn, các sản vật nông nghiệp lúa nước, cây thuốc, chăn nuôi, phương pháp canh tác. Đặc biệt, phát triển, xây dựng thương hiệu gạo Cát Tiên, cá lăng Cát Tiên và sản phẩm Diệp Hạ Châu; thực hành trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch để sản xuất ra gạo Cát Tiên hoặc cây thuốc,... cũng được huyện Cát Tiên nhắm đến.

Các đảo trên hồ Đạ Sỵ, một điểm đến du lịch nhiều hứa hẹn trong tương lai tại huyện Cát Tiên

Các đảo trên hồ Đạ Sỵ, một điểm đến du lịch nhiều hứa hẹn trong tương lai tại huyện Cát Tiên

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG

Nhận thấy rõ tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Cát Tiên đã có những động thái tích cực trong chỉ đạo tuyên truyền quảng bá, thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến huyện khảo sát và tìm cơ hội đầu tư để phát triển du lịch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Riêng trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020, UBND huyện Cát Tiên đã hoàn thành xây dựng Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện, cũng như có sự điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cụ thể ở các khu, các điểm du lịch, bảo đảm phát triển hài hòa các lợi thế của huyện.

Cụ thể, UBND huyện Cát Tiên đã tiến hành quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch trên cơ sở tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện để từng bước hình thành các điểm, tuyến, khu du lịch. Hàng năm, ngoài việc bố trí các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huyện Cát Tiên còn tranh thủ các nguồn vốn huy động khác để tập trung đầu tư cải tạo, phát triển hệ thống hạ tầng, trước hết là giao thông tại các điểm, tuyến, khu du lịch, điện, nước, viễn thông, các khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, siêu thị, chợ...

Tôn tạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, phát triển, đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên các nguồn tài nguyên đặc trưng của địa phương để thu hút du khách, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh việc liên kết với các thành phố Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh... và các huyện bạn, hình thành các tuyến du lịch hợp lý, hấp dẫn để thu hút du khách. Thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn với đầy đủ các dịch vụ lưu trú tại trung tâm thị trấn Cát Tiên để phục vụ khách du lịch theo tuyến và khách vãng lai trên địa bàn huyện.

Thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, huyện Cát Tiên đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch. Không ngừng nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử của huyện, tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của huyện trên các kênh truyền thông của tỉnh; nâng cao chất lượng và tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, các hoạt động lễ hội trên địa bàn để thu hút du khách. Đặc biệt, coi trọng xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đủ số lượng, giỏi về nghiệp vụ…

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202112/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-cat-tien-3093842/