Đánh thức tiềm năng phát triển cây dược liệu

Là tỉnh Trung du, miền núi, đất đai và khí hậu đa dạng, phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó, cây dược liệu có lợi thế để phát triển trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai...

Kỳ I: Chưa như kỳ vọng

Phòng NN&PTNT huyện Yên Lập hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dây thìa canh cho HTX Dược liệu Ngọc Lập.

(baophutho.vn) - Là tỉnh Trung du, miền núi, đất đai và khí hậu đa dạng, phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó, cây dược liệu có lợi thế để phát triển trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, gia tăng giá trị từ rừng, tăng thu nhập cho người dân. Những năm qua, đã có nhiều mô hình trồng cây dược liệu được thử nghiệm tại một số huyện, thành, thị, tuy nhiên, đến thời điểm này, phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng.

Phát triển tự phát, đầu ra bấp bênh
Phú Thọ có địa hình chia thành nhiều tiểu vùng với điều kiện tự nhiên, khí hậu khác nhau, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây dược liệu nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới... Tài nguyên đất đai phong phú, có tám nhóm đất chính với 17 loại đất khác nhau, chất lượng đất tương đối tốt, thích hợp cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng, phát triển, trong đó có cây dược liệu. Điều tra của Viện Dược liệu cho thấy, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 loài cây dược liệu. Với nhiều lợi thế cho phát triển dược liệu, thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại cây trồng sẽ tạo điều kiện cho việc lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích phù hợp sang trồng cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xây dựng các mô hình trồng thâm canh cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả như trồng cây địa liền trên đất đồi và đất bãi phù sa tại huyện Thanh Ba; trồng cà gai leo tại xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn; mô hình trồng gừng trâu tại thị xã Phú Thọ...Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 200ha cây dược liệu. Diện tích cây dược liệu nếu tính cả cây quế (trong danh mục cây thuốc của Viện Dược liệu, cây quế cũng được tính là cây dược liệu) thì toàn tỉnh có xấp xỉ 2.000ha cây dược liệu. Nhiều doanh nghiệp như Traphaco, Vietmec... đã bước đầu khảo sát, tìm hiểu và xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu ở nhiều địa phương. Mặc dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với người dân trong tỉnh đã có kinh nghiệm, tập quán sản xuất một số cây dược liệu nhưng phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn khi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Một số sản phẩm sản xuất ra có thời điểm không có thị trường tiêu thụ; có loại cây có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ như các loại sâm, đẳng sâm qua trồng thử nghiệm tại một số địa phương thì đa số không phù hợp với điều kiện tự nhiên.Khoảng hơn chục năm về trước, cây thanh hao hoa vàng được người dân các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa và TP Việt Trì… trồng với hy vọng mang lại thu nhập cao nhưng chỉ sau thời gian ngắn, do thiếu sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, không tìm được đầu ra nên không thành công. Sau đó, nhiều mô hình trồng đinh lăng lai, ba kích đỏ, ngưu tất, nghệ đen… theo kiểu tự phát nên sau một vài vụ không hiệu quả, chưa có đầu ra ổn định đã giảm dần diện tích. Tại huyện Thanh Sơn, mô hình trồng nghệ đen, nghệ vàng đã từng rất phát triển những năm 2017, 2018, có quy mô hàng chục ha và dự kiến mở rộng diện tích nhưng đến nay do đầu ra không đảm bảo nên phải dừng lại.Đưa vào trồng các loại cây dược liệu gần chục năm nay, từ trồng đẳng sâm, đan sâm, cà gai leo… nhưng chưa thành công, ông Trần Ngọc Sơn ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn cho biết: Qua quá trình trồng dược liệu tại trang trại của gia đình, những loại dược liệu có đầu ra thì không phù hợp thổ nhưỡng, có loại thích nghi, sinh trưởng tốt thì không có đầu ra. Vì vậy, tôi nhận thấy muốn phát triển cây dược liệu cần phải có nghiên cứu khoa học, phân tích chất đất, điều kiện tự nhiên phù hợp với những loại cây gì và nhất thiết phải có đầu ra vững chắc, nếu chỉ làm theo kiểu cá thể, mang tính kinh nghiệm thì khó thành công.Các “rào cản” cần hóa giải
Qua quá trình canh tác thực tế cho thấy, cây dược liệu là một trong những cây trồng yêu cầu kỹ thuật canh tác khắt khe để vừa đảm bảo hàm lượng hoạt chất vừa đảm bảo năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu, phải đảm bảo các quy trình canh tác tổng hợp, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại theo tiêu chuẩn. Khi sản xuất dược liệu hàng hóa với quy mô lớn, cần thiết phải áp dụng các quy trình kỹ thuật về trồng trọt và thu hái sản phẩm, có như vậy chất lượng, hiệu quả của cây dược liệu mới tăng lên. Tuy nhiên với người dân, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới không đồng đều và còn nhiều hạn chế nên khó khăn cho việc mở rộng phát triển các cây trồng mới có yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Cây dược liệu cũng yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu, đặc biệt là nguồn giống tương đối cao so với nhiều cây trồng truyền thống. Cùng với đó, hệ thống cơ sở nhân ươm sản xuất giống, cơ sở sơ chế sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung. Mặt khác, thị trường đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp đầu tư thu mua nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Cơ sở hạ tầng nhìn chung còn nhiều hạn chế, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả cho người sản xuất… là những khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình nhân rộng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.Không những thế, hình thức tổ chức sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác (HTX, tổ sản xuất, doanh nghiệp…) hầu như chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả. Do vậy, việc phát triển sản xuất cây dược liệu sẽ gặp nhiều khó khăn trong tổ chức, quản lý chất lượng sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc.Ngoài ra, một số ít hộ đã hướng đến việc tổ chức sản xuất, liên kết các hộ để thành lập tổ hợp tác, HTX cùng trồng cây dược liệu tiến tới ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài với doanh nghiệp nhưng vẫn đang trong giai đoạn tìm hướng đi. HTX Dược liệu Ngọc Lập, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập có 10 thành viên gồm các hộ trồng cà gai leo, dây thìa canh… liên kết lại với nhau với diện tích khoảng 2ha. Chị Đinh Thị Duyên - Giám đốc HTX cho biết: Các hộ thành viên chúng tôi trồng dược liệu làm nguyên liệu thô đầu ra không ổn định, có thời điểm không tiêu thụ được, nguyên liệu bị hỏng, mốc. HTX đã học hỏi, sản xuất các sản phẩm dưới dạng cao và đang xây dựng thành sản phẩm OCOP cấp huyện. Tuy nhiên, để thành công đưa ra thị trường thì sản phẩm cao cà gai leo, dây thìa canh của HTX vẫn còn nhiều khó khăn do những tiêu chuẩn về an toàn đối với sản phẩm dược liệu nghiêm ngặt và khắt khe hơn nhiều so với các loại thực phẩm thông thường. Ông Nguyễn Trường Giang- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Khác với các loại cây trồng khác, các quy trình trong sản xuất dược liệu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sản xuất thuốc, bảo quản, tiêu thụ đều có những yêu cầu rất nghiêm ngặt mà hộ cá thể, thậm chí cả các HTX trên địa bàn tỉnh chưa thể làm được. Do đó, việc liên kết với các doanh nghiệp là giải pháp phù hợp nhất cho người dân bởi họ có đủ vốn, kế hoạch sản xuất, thông tin thị trường, công nghệ chế biến… giúp người trồng dược liệu trồng đúng cái thị trường cần, mang lại hiệu quả cao nhất, qua đó giúp người trồng dược liệu có thể phát triển ổn định, góp phần đa dạng hóa cây trồng, tạo cơ hội để người dân miền núi giảm nghèo bền vững. Kỳ II: Đánh thức tiềm năng

Hùng Cường - Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202108/danh-thuc-tiem-nang-phat-trien-cay-duoc-lieu-179148