Đánh thức tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, du lịch Hòa Bình

Hòa Bình, bông hoa của núi rừng Tây Bắc, là vùng đất tươi đẹp, phong cảnh thiên nhiên hữu tình và sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển văn hóa, du lịch.

Tiềm năng du lịch của Hòa Bình

Hòa Bình một vùng đất giàu di tích lịch sử, văn hóa cùng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, dòng sông Đà hiền hòa, thơ mộng đã đi vào những tác phẩm văn học, thơ ca nổi tiếng. Nơi đây có hồ Hòa Bình được ví như một “Vịnh Hạ Long trên cạn”, động Tiên Phi mang vẻ đẹp trong trẻo, hoang sơ đầy cuốn hút được ví như “viên ngọc quý” bởi màu sắc đa dạng, được thiên nhiên ưu ái ban tặng.

Mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sông, hồ, thác nước, đồi núi trùng điệp tạo nên nhiều động đẹp như thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh… Đặc biệt, Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia có diện tích 52.000ha; trong đó diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha với hàng chục đảo và bán đảo tạo nên phong cảnh non nước hữu tình, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí.

 Hòa Bình vùng đất giàu di tích lịch sử, văn hóa cùng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ

Hòa Bình vùng đất giàu di tích lịch sử, văn hóa cùng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ

Ngoài ra, nền văn hóa Hòa Bình có từ thời tiền sử, vùng đất nổi tiếng với bốn mường Bi, Vang, Thàng, Động. Các dân tộc sống trên vùng đất này có những nét văn hóa riêng biệt tạo nên các sắc thái đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Hòa Bình còn là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của các dân tộc cùng với những lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc gắn với nông nghiệp nổi tiếng như: Lễ hội Chiêng người Mường, Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Bi, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Xên Mường người Thái,..

Đồng thời, Hòa Bình còn là cái nôi văn hóa của người Việt, là nơi bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng và gần 10 ngàn chiếc chiêng quý giá. Hòa Bình cũng là nơi sản sinh và còn lưu giữ những áng Mo sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước” của người Mường. Mỗi dân tộc ở Hòa Bình có bản sắc văn hóa riêng thể hiện trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống… đặc sắc. Hòa Bình có 05 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Mo Mường, Nghệ thuật Chiêng Mường, Lễ hội Khai hạ, Tri thức dân gian Lịch Tre của dân tộc Mường và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu, đây là những lợi thế để du lịch Hòa Bình phát triển.

Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, những năm gần đây, du lịch tỉnh Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch văn hóa tâm linh với đền Thác Bờ và động Thác Bờ trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; Quần thể di tích hang động núi đầu rồng và đền Thượng Bồng Lai thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; Quần thể các di tích huyện Lạc Thủy (nơi có Di tích lịch sử cách mạng địa điểm Nhà Máy In tiền đồn điền Chi Nê và Quần thể hang động khu vực Chùa Tiên xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy)…

Hòa Bình có nhiều điểm du lịch cộng đồng với hơn 200 homestay như bản Lác, bản Văn, bản Poom Coọng, bản Bước…

Hòa Bình có nhiều điểm du lịch cộng đồng với hơn 200 homestay như bản Lác, bản Văn, bản Poom Coọng, bản Bước…

Bên cạnh đó Hòa Bình cũng rất chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với những khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, có cảnh quan thiên nhiên khí hậu trong lành đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng của nhiều du khách và loại hình thể thao với những sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế như sân Golf Phượng Hoàng 54 lỗ tại huyện Lương Sơn và sân Hilltop Valley Golf Club 18 lỗ đã thu hút được nhiều du khách chơi golf.

Năm 2023 Hòa Bình đón trên 3,95 triệu lượt khách tham quan du lịch, so với cùng kỳ năm trước đạt 126,4%. Trong đó, khách quốc tế 450.266 lượt, so với cùng kỳ năm trước đạt 327,3%, khách nội địa 3.504.560 lượt, so với cùng kỳ năm trước đạt 117,2%. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 4.016 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đạt 111,1 %.

Sáu tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hòa Bình là 2.889.798 lượt người, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,9%, đạt 69% kế hoạch năm. Trong đó khách quốc tế 291.485 lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 15% khách nội địa 2.598.313 lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 17,3%. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 2.928 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 32,8%, đạt 63,7% kế hoạch năm.

Với tinh thần “Quyết liệt, hiệu quả, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm” và “Đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” của toàn nghành du lịch, Hòa Bình triển khai hiệu quả mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại các huyện, thành phố. Các loại hình du lịch đang được giới trẻ quan tâm và thu hút lượng lớn khách đến như: Camping, tắm thác, suối… Các hoạt động trên đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch, mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động loại hình du lịch cộng đồng ngày càng hoàn thiện và phát triển, góp phần thúc đẩy du lịch chung của tỉnh Hòa Bình với phương châm: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Ngoài ra, Hòa Bình cũng chú trọng khai thác thị trường vùng Thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước, quốc tế. Đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, đặc biệt là liên kết với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thanh Hóa và một số tỉnh, thành trong khu vực với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, trú trọng công tác xúc tiến du lịch tại thị trường tiềm năng như: Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc.. để mở rộng thị trường thu hút khách, thúc đẩy phát triển du lịch.

Các giải pháp được thực hiện đồng bộ để phát triển Du lịch

Những năm qua, được sự tham mưu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, văn hóa và con người Hòa Bình, đáp ứng yêu cầu phát triển hiệu quả, bền vững. Tỉnh Hòa Bình cũng đã chủ động tìm giải pháp, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, đầu năm 2024, tỉnh Hòa Bình đã ban hành một số Kế hoạch để chỉ đạo các ngành thành viên và các địa phương triển khai thực hiện các Kế hoạch 14/KH-UBND ngày 24/01/2024 triển khai Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh TBMR với thành phố Hồ Chí Minh năm 2024; Kế hoạch số 43/KH-BCĐDL ngày 21/2/2024 về việc phát triển Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024. Trong đó, đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực.

Hòa Bình đã chủ động tìm giải pháp, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Hòa Bình đã chủ động tìm giải pháp, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Song song với đó, tỉnh Hòa Bình cũng chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; đầu tư cho phát triển các làng nghề, dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. Hiện, tỉnh đang mời gọi, thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch để hình thành các khu, điểm du lịch có chất lượng cao, trọng tâm là phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, khu suối nước khoáng thiên nhiên Kim Bôi, Khu vực xã Suối Hoa, Khu di tích Chùa Tiên, huyện Tân Lạc …

Bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, từ tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch, hình thành nhiều phong trào văn hóa, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hương Trần

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thuc-tiem-nang-the-manh-phat-trien-van-hoa-du-lich-hoa-binh-351496.html