Dạo biển, cặp đôi phát hiện 'bóng ma' cô bé khác loài nhảy múa

Hóa thạch quý giá đã tái hiện trọn vẹn khung cảnh một cô bé nhảy múa trên bãi biển 100.000 năm trước. Đặc biệt hơn, cô bé không thuộc loài người hiện đại chúng ta.

Hiện vật trông như một tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ với hàng chục dấu chân in trên đá, lộ ra một phần trên bãi biển Matalascanãs của Tây Ban Nha. Bằng con mắt của nhà khoa học, 2 người đi dạo đã nhanh chóng nhận biết đó là một hiện vật có giá trị đặc biệt.

Theo bài công bố trên tạp chí Scientific Reports, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Huelva (Tây Ban Nha) đã khai quật được tổng cộng 87 dấu chân hóa thạch tại địa điểm. Đó là những dấu vết cổ xưa nhất của người Neanderthals được biết đến trên bán đảo Iberia.

Bờ biển nơi các hóa thạch được phát hiện - Ảnh: NATURE

Bờ biển nơi các hóa thạch được phát hiện - Ảnh: NATURE

Hóa thạch dấu chân là một dạng hóa thạch vô cùng quý giá đối với giới cổ sinh vật học, bởi không chỉ cung cấp một chiếc khuôn hoàn hảo về phần cơ thể sinh vật, mà còn là "viên nang thời gian" giúp biết được cách sinh vật đó di chuyển, hành động, những điều đã xảy ra trong khoảnh khắc đó.

Theo Nature, 37 trong số 87 dấu chân này đủ hoàn chỉnh để phản ánh chúng thuộc về loài người cổ Neanderthals, người họ hàng gần với loài người hiện đại Homo sapiens, đã tuyệt chủng. Nó thuộc về nhiều người cao từ 102 cm đến 185 cm, trong đó ít nhất 7 dấu chân thuộc về trẻ nhỏ.

Cận cảnh các hóa thạch - Ảnh: ACIENT ORIGINS

Cận cảnh các hóa thạch - Ảnh: ACIENT ORIGINS

Theo Acient Origins, đáng giá nhất là 2 dấu chân đã được kết nối với nhau: cùng thuộc về một người – một cô bé Neanderthals. Số lượng dấu chân nhiều hơn 1 cũng như cách nó ghi tạc lên đã đã hé lộ vào khoảnh khắc ấy, cô bé dường như đã nhảy múa trên biển, có thể đang chơi đùa, cũng có thể đang tham gia một vũ điệu kỳ lạ cùng bộ lạc của mình, theo tiến sĩ Eduardo Mayoral, tác giả chính của nghiên cứu. Điều này hứa hẹn nhiều dữ liệu quý giá về cách sống của loài người tuyệt chủng này.

Bờ biển này là nơi những người Neanderthals tìm kiếm cá, động vật có vỏ và nhiều loại hải sản khác. Chính người Homo sapiens cổ đại – tổ tiên chúng ta – cũng từng đến đây và sống bằng nguồn thức ăn này ở một thời kỳ muộn hơn.

Theo các nghiên cứu trước đây, châu Âu vốn là nơi định cư lâu đời của người Neanderthals. Khi Homo sapiens rời châu Phi, họ đã đi theo nhiều hướng, trong đó một nhánh tiến về châu Âu. Ở đây, nhiều vị tổ tiên đã chung sống và hôn phối với người Neanderthals, để lại dấu vết trong bộ gene nhiều người châu Âu.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/khoa-hoc/dao-bien-cap-doi-phat-hien-bong-ma-co-be-khac-loai-nhay-mua-20210329173159624.htm