Đào tạo nghề cho 1.700 thanh niên Hà Nội phát triển sinh kế bền vững
Ngày 22-10, Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển (M&D), Quỹ Citi tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn 5 dự án 'Đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội' và triển khai hoạt động tiếp theo của dự án.
Quang cảnh hội nghị.
Theo bà Nguyễn Bích Vượng, Giám đốc Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển (M&D), giai đoạn 5 của dự án được triển khai từ tháng 10-2019 đến tháng 9-2020 với 15 lớp đào tạo nghề cho 350 học viên các làng nghề thuộc 7 huyện của Hà Nội gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ. Dự án đào tạo 7 nghề chính cho các học viên như thêu tay, mây tre đan, khảm trai mỹ nghệ, gốm Bát Tràng, gỗ mỹ nghệ, nón lá làng Chuông, kỹ thuật chế biến món ăn.
“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số ngành, nghề bị ảnh hưởng. Song, nhìn chung, nhờ kết hợp đào tạo tại làng nghề với doanh nghiệp nên hầu hết học viên của các lớp nghề truyền thống đều có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học, có thu nhập ổn định tại địa phương”, bà Nguyễn Bích Vượng chia sẻ.
Dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội" được triển khai từ tháng 6-2015 và đã trải qua 5 giai đoạn (mỗi giai đoạn 12 tháng). Đến nay, dự án đã tổ chức được 52 lớp đào tạo nghề cho gần 1.700 thanh niên tại 14 huyện và 1 quận (Long Biên) trên địa bàn Hà Nội. Thành công của dự án không chỉ giúp các học viên có việc làm, tạo thu nhập ổn định cuộc sống mà còn giúp họ tiếp cận với cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn nhằm phát triển sinh kế bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống tại Hà Nội.