Đào tạo nghề để người lầm lỗi hòa nhập: Mở cánh cửa hoàn lương

Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là quá trình khó khăn cho chính bản thân người được tha tù. Làm tốt công tác đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù là một trong những hành động thiết thực, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc làm này còn gặp nhiều khó khăn.

Tạo điều kiện hòa nhập

Thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những việc làm cụ thể nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù là một trong những hành động thiết thực, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù là một trong những hành động thiết thực, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Tháng 10/2012, chị Nguyễn Thị L, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương thực hiện xong án phạt tù về tội danh chứa chấp và sử dụng trái phép chất ma túy. Đó là khoảng thời gian chị L suy sụp tinh thần, mặc cảm với tội lỗi. Tuy nhiên, dưới sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể, chị L đã có điều kiện quay lại nghề mổ lợn cũ trước đây của mình. Nhờ đó đã tiếp thêm niềm tin để chị L vươn lên ổn định cuộc sống, vững tin làm lại cuộc đời.

Ra tù với 2 bàn tay trắng vì tội danh gây rối trật tự công cộng, anh Trần Văn M, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên phải đối diện với nhiều khó khăn, kinh tế gia đình dựa hoàn toàn vào đồng lương công nhân của người vợ. Biết được hoàn cảnh đó, các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể của địa phương đã hỗ trợ anh M trong quá trình vay vốn đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình. Với nghề lái xe sẵn có, anh đã xin vào làm việc tại một công ty đóng trên địa bàn. Nhờ đó, cuộc sống gia đình dần ổn định, những mặc cảm về tội lỗi trước đây dần được xóa bỏ...

Năm 2021, toàn huyện Tam Đảo có hơn 60 người người chấp hành xong án phạt tù. Để giúp những người này khi trở về địa phương nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, huyện Tam Đảo đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, gặp gỡ, giáo dục, động viên về tái hòa nhập cộng đồng với nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Nhờ đó, hầu hết những người chấp hành xong hình phạt tù trên địa bàn huyện Tam Đảo trở về địa phương đều có việc làm, ổn định cuộc sống. Bản thân người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương đã có những chuyển biến trong nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định khác của địa phương, qua đó xóa bỏ mặc cảm, tích cực tham gia lao động, sản xuất và công tác xã hội để ổn định cuộc sống, từ đó hạn chế tỷ lệ tái phạm và vi phạm pháp luật.

Cần sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía

Thời gian qua, các đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều được các ban, ngành, đoàn thể tiếp nhận, giúp đỡ về mặt tinh thần, vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó đã hạn chế mức thấp nhất đối tượng tái phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác quản lý các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng kỳ thị, xa lánh, các đối tượng đi làm việc nơi khác không thông báo cho chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại hầu hết các địa phương trong tỉnh đều gặp khó khăn bởi tâm lý ngại không muốn nhắc lại chuyện quá khứ của những người đã chấp hành xong án phạt. Họ e dè, né tránh hoặc cố tình không tiếp xúc với cán bộ xã, công an và các ban ngành, đoàn thể.

Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là làm sao tư vấn, giúp đỡ đào tạo nghề, tạo việc làm cho họ, giúp họ có thu nhập ổn định, đứng dậy nắm lấy cơ hội, tự tạo lập tương lai. Thêm nữa, các doanh nghiệp mà địa phương liên hệ nhờ giúp đỡ còn có tư tưởng ngại không muốn tiếp nhận những người có án tích vào làm việc…

Nhằm khắc phục những rào cản, khó khăn đó, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu trình UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025, cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn để tạo việc làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội người chấp hành xong án phạt tù không có nơi nương tựa thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kịp thời những chính sách mới của Trung ương, của tỉnh về dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung (trong đó, có người chấp hành xong án phạt tù); tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người có quá khứ lầm lỗi tại địa phương học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Việc hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là công tác vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người có quá khứ lầm lỗi. Làm tốt điều này sẽ góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững ổn định an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76328/dao-tao-nghe-de-nguoi-lam-loi-hoa-nhap-mo-canh-cua-hoan-luong.html